Tháng 5 được xem là tháng công nhân, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức hướng tới công nhân, trong đó không thể thiếu sự tham dự của các loại hình nghệ thuật. Thế nhưng, thật đáng tiếc là với văn học, hình ảnh người công nhân lại ngày càng trở nên xa lạ, thậm chí gần như vắng bóng.
Khoảng trống trong văn học
Giữa tháng 6-2009, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cuộc gặp gỡ với Hội Nhà văn Việt Nam, nhằm thảo luận các biện pháp cần thiết để tái lập Giải thưởng văn học công nhân, một giải thưởng đã vắng bóng hơn 10 năm qua. Tuy nhiên sau đó, giải lại chìm vào quên lãng.
Hình tượng người công nhân trong văn học Việt Nam từng có một thời kỳ dài phát triển mạnh mẽ. Bắt đầu có thể tính vào những năm 1954-1960, khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vào thời điểm đó nhiều nhà văn đã để lại dấu ấn riêng của mình khi viết về người công nhân như Tùng Điển, Tạ Vũ, Lý Biên Cương, Võ Huy Tâm, Thanh Tùng, Xuân Cang, Võ Khắc Nghiêm, Huy Phương, Lê Minh… Thậm chí, nhiều địa danh tập trung các khu công nghiệp cũng trở nên thân quen với bạn đọc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên… nhờ các tác phẩm văn học.
Một trong những nguyên nhân được cho là đã góp phần đem đến thành công cho các nhà văn viết về người công nhân, đó là sự chân thật và tính thời sự trong văn chương. Để có được điều này, các nhà văn khi đi thực tế không chỉ cùng ăn, cùng sống, mà thậm chí còn cùng làm việc với người công nhân tại các nhà máy.
Có thể kể đến Võ Huy Tâm lăn lộn làm việc tại vùng mỏ Quảng Ninh; nhà thơ Thanh Tùng là thợ đóng tàu Hải Phòng; Xuân Cang, Lê Minh lăn lộn tại khu gang thép Thái Nguyên từ ngày đầu thành lập; Chu Hồng Hải là thợ lái tàu… Họ sống và nhập tâm đến nỗi, khi cầm bút dù không chủ tâm nhưng sự trải nghiệm cứ tràn ra, để rồi xuất hiện những tác phẩm về người công nhân sâu sắc, gần gũi với bạn đọc, nhất là bạn đọc công nhân.
Thế nhưng, thời phồn vinh của văn học công nhân đã dừng lại khi đất nước mở cửa, xã hội có nhiều biến đổi. Đây được xem là một nghịch lý khi trên thực tế, số lượng công nhân lại đang ngày càng tăng lên.
Khoảng cách của nhà văn
Khi nhận xét việc thiếu hụt sáng tác về công nhân hiện nay, nhà văn Nguyễn Đức Thiện cảm thán: “Đã có một khoảng cách rất lớn giữa người viết với đời sống công nhân. Lớp nhà văn ngoài sáu mươi hiện nay hầu như đã tách ra khỏi công trường, xưởng máy hoặc an phận dưỡng già, hoặc nếu còn viết thì tiếp tục khai thác vốn sống từ ngày xa xưa mà viết lại.
Lớp trẻ hơn ngoài bốn mươi, năm mươi có dính đến chuyện văn chương thì tìm một công việc ổn định nằm ngoài cuộc sống công nghiệp, có đến với công nghiệp thì cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa.
Đặc biệt lớp người viết trẻ bây giờ phần lớn được đào tạo qua các trường đại học có liên quan đến văn chương, khi bước vào đời họ không chọn môi trường sống công nghiệp để lập thân. Vì thế, cuộc sống công nghiệp tồn tại ngay bên cạnh họ, cũng trở nên xa lạ. Còn những người trực tiếp sống và làm việc tại các khu công nghiệp thì lo kiếm sống, không còn thời gian lo chuyện văn chương”.
Điều mâu thuẫn này càng nổi bật khi các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ, đều nhấn mạnh yếu tố “cảm hứng trong sáng tác”. Vì vậy, các nhà văn trẻ vốn thích sống trong nhịp điệu sôi động của thành thị, lấy đâu cảm hứng để viết về đề tài công nhân. Bên cạnh sự xa cách về nhu cầu sống, còn có cả một vấn đề tế nhị khác, là sự nhìn nhận chưa xứng đáng công sức bỏ ra.
Tại các cuộc hội thảo về văn học, khi bàn về đề tài văn học công nhân, nhiều nhà văn khẳng định đây là đề tài rất phong phú. Thậm chí, chỉ cần đọc trên báo đã thấy bao nhiêu vấn đề của công nhân hôm nay như cuộc sống ở trọ, áp lực trong công việc, các mối quan hệ trong cuộc sống… Thế nhưng, nhà văn lại thiếu sự thâm nhập thực tế để có thể sáng tác và thể hiện về đề tài này.
Trong cuộc sống hiện đại, công nhân vẫn được xem là lực lượng chủ đạo của xã hội, xứng đáng có vị trí đặc biệt trong nền văn học. Sự vắng bóng hình ảnh công nhân trong văn học Việt Nam hiện nay là điều không bình thường, cần sớm khắc phục.
TƯỜNG VY