
Những ngày đầu năm mới là dịp nhìn lại những gì đã hoặc chưa làm được trong một năm qua. Văn học Việt Nam năm 2008 đã làm được khá nhiều, nhưng cái không làm được cũng không ít.
Giải thưởng văn học - nhiều truân chuyên

Tuy không ồn ào như năm 2007 nhưng năm 2008 cũng là một năm các giải thưởng văn học gây ra nhiều tranh cãi. Đầu tiên phải nói đến giải thưởng văn học được cho là lớn nhất trong năm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Một lần nữa, thơ lại lỡ hẹn, lần thứ hai liên tiếp giải thưởng được đánh giá quan trọng nhất trong văn học Việt Nam không có giải thưởng cho thơ. Vào tới vòng chung khảo của cuộc thi có hai tập thơ được nhiều người chú ý là Cỏ lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Bên kia cây cầu của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy.
Nhiều người tin rằng hai tập thơ trên sẽ đoạt giải thưởng. Tuy nhiên, thành phần ban giám khảo vốn có khá nhiều nhà thơ, cuối cùng đã quyết định thêm một năm nữa không có tác phẩm thơ nào xứng đáng nhận giải.
Về phần tiểu thuyết, tác phẩm Sóng chìm của nhà văn Đình Kính, ngay sau khi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2008 đã gây xôn xao dư luận. Có điều sự xôn xao này không phải là từ giá trị của tác phẩm, mà là từ cuộc tranh cãi giữa nhà văn và những người đã từng sống và chiến đấu tại vùng đất mà nhà văn nêu ra trong tiểu thuyết.
Những người đó nói Đình Kính viết không đúng sự thật, còn nhà văn thì phải cố giải thích đây là sáng tác nghệ thuật, lịch sử chỉ là chất xúc tác để nhà văn tạo nên tác phẩm.
Năm 2008 cũng là năm các giải thưởng văn học tư nhân có vui có buồn. Giải thưởng văn học tư nhân đầu tiên mang tên Lá Trầu dành cho các nhà thơ nữ, do quỹ Lời vàng EVA thành lập năm 2007, đã gửi lời chào tạm biệt sau khi trao giải thưởng duy nhất của năm 2008 (trị giá 25 triệu đồng) cho tập thơ Bay lặng im của nhà thơ Trang Thanh.
Lá Trầu vừa đi, giải thưởng Bách Việt (Công ty CP Văn hóa Bách Việt bảo trợ) vội nhanh chân thế chỗ, mở rộng cho tất cả tác giả chỉ với điều kiện là tác phẩm dự thi phải chưa được công bố. Hy vọng với việc xuất hiện thêm các giải thưởng văn học tư nhân, năm 2009 văn học Việt Nam sẽ sôi động hơn.
Cuộc chiến đề tài và chất lượng
Năm 2008 cũng là năm có nhiều tác phẩm văn học gây xôn xao dư luận. Đầu tiên là những tác phẩm văn học đề cập đến những giai đoạn lịch sử của những nhà văn từng sống, trải qua và chứng kiến nên có nhiều chi tiết sống động, chân thật.
Tuy nhiên, đáng tiếc là có một số nhà văn khi sáng tác chỉ thông qua cái nhìn hạn hẹp của cá nhân rồi phán xét, phiến diện, chủ quan, thậm chí sai lệch so với sự thật lịch sử đã diễn ra.
Cũng trong dòng sáng tác về lịch sử, năm 2008 xuất hiện những sáng tác theo kiểu “làm mới” những nhân vật lịch sử. Điều đáng nói là việc làm mới này không dựa vào bất cứ khảo sát nào về nhân vật lịch sử mà hoàn toàn dựa theo chủ quan của nhà văn.
Nhiều tác phẩm đã tự ý bóp méo hình ảnh các danh nhân của dân tộc gây bất bình trong dư luận mà nổi bật nhất là vụ truyện ngắn Trở lại Lệ Chi viên của nhà văn Thúy Ái viết về Nguyễn Trãi.
Còn các tác phẩm sáng tác theo phong trào lại tạo ra một thị trường văn học mất cân đối. Đầu tiên là sáng tác mới nào của các nhà văn trẻ cũng có liên quan đến chuyện tình dục. Sau tình dục lại đến phong trào đồng tính. Các tác phẩm viết về những người đồng tính luyến ái xuất hiện liên tục.
Dù được trông đợi nhiều từ những đột phá trong năm 2007, nhưng văn học trên mạng vẫn dậm chân tại chỗ trong năm 2008. Những tác phẩm từ mạng như Dị bản của Keng, Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang... chỉ được ghi nhận ở khâu tuyên truyền. Năm nay, đã có thêm sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn lớn tuổi vào văn học mạng, vốn hay bị hiểu là dành riêng cho tuổi trẻ.
Giải thích lý do cả hai năm 2007-2008, văn học Việt Nam thiếu hụt những sáng tác nổi bật, tạo tiếng vang lớn, giới học giả đều cho rằng chính là từ sự thiếu hụt của phê bình văn học. Trong giai đoạn kinh tế thị trường, bạn đọc không còn thời gian để chọn lựa những tác phẩm hay, bổ ích mà thường chọn mua sách theo quảng cáo, giới thiệu vốn mang đậm yếu tố thị trường hơn là giá trị chân chính…
Hệ quả của hiện tượng này là làm nảy sinh tình trạng vàng thau lẫn lộn. Tác phẩm hay nhưng quảng bá kém không được chú ý trong khi tác phẩm dở nhưng nhờ tiếp thị tốt lại ăn khách, nổi tiếng.
Năm 2009, với sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước thông qua các nghị quyết mang đậm tính thực tiễn, nền văn học Việt Nam sẽ nhìn nhận lại mình một cách chân thực nhất.
Khẳng định yếu tố hàng hóa của sách văn học trong cuộc hội thảo do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ tổ chức dịp cuối năm 2008 chính là một xu hướng phát triển. Văn học Việt Nam hứa hẹn sẽ có được những tác phẩm đích thực hơn, mang đậm hơi thở thời đại hơn trong năm 2009.
TƯỜNG VY