Vẫn loay hoay tìm nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL

Cao tốc trục dọc đoạn Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, theo ước tính cần khoảng 40 triệu m3 cát san lấp, thế nhưng các chủ đầu tư vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm nguồn cung cát.

Chỉ tính riêng 2 dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã cần khoảng 40 triệu m3 cát

Ngày 11-11, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ về tình hình triển khai các dự án cao tốc.

Theo ước tính, toàn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài 188 km sẽ cần hơn 21 triệu m3 cát san lấp, dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau, dài 109 km sẽ cần 18,5 triệu m3 cát san lấp. Chỉ tính riêng 2 dự án cao tốc này, ĐBSCL đã phải cần khoảng 40 triệu m3 cát.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, đơn vị chủ đầu tư dự án thành phần 2 (dài 37,4 km) cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cho biết: Hiện đơn vị đang gặp vướng mắc về nguồn cát san lấp và cát phục vụ thi công bê tông, vì những năm gần đây cát rất khan hiếm. Thành phố cũng đã có công văn gửi tỉnh An Giang và Đồng Tháp hỗ trợ, tạo điều kiện để cung cấp cát thực hiện dự án, thế nhưng hiện vẫn chưa ngã ngũ. Đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3 (dài 37km) tỉnh Hậu Giang cho biết cũng gặp phải khó khăn tương tự.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cho biết: Nhu cầu cát san lấp cho cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau sẽ là 18,5 triệu m3, tuy nhiên hiện nay về phía tỉnh An Giang chỉ cam kết được 1 triệu m3, dự án còn thiếu 17,5 triệu m3.

Về phía tỉnh Đồng Tháp thì địa phương này cho biết chưa xác định được nguồn, số lượng cát có thể cung ứng. Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Thứ trưởng Bộ Xây dựng xem xét báo cáo Chính phủ để tìm giải pháp hỗ trợ cho dự án.

Về nguồn cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, theo khảo sát thì tỉnh Sóc Trăng có 13 tỷ m3, Trà Vinh đã được cấp phép khai thác 1 triệu m3. Hiện Bộ GTVT cũng đã duyệt đề cương thi công thí điểm cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Dự kiến sẽ tiến hành thi công thí điểm tại 2 đoạn (chi phí khoảng 20 tỷ), trong tháng 1-2023 sẽ bắt đầu triển khai thi công. Nguồn cát biển thí điểm sẽ rơi vào khoảng 5.000 m3 được lấy từ Trà Vinh. Thời gian theo dõi quan chắc sẽ mất từ 10 đến 12 tháng, do đó đến cuối năm 2023 mới có báo cáo tổng kết, đánh giá.

Vẫn loay hoay tìm nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL ảnh 2 Quang cảnh buổi làm việc

Đơn vị tư vấn thi công thí điểm cát biển, Công ty CP Tư vấn Trường Sơn cho biết: Đặc thù của cát biển là trôi từ đất liền ra, thành phần hạt bị ma sát nhiều nên hạt cát tròn hơn, đều hạt hơn, sắt cạnh của hạt cũng ít hơn cát sông. Nên khi dùng vào san lắp nền dự án cao tốc hiện vẫn cần có kiểm chứng, đánh giá, cụ thể. Các nước trên thế giới, sau khi thêm các chất vô cơ cũng chỉ dùng nhiều trong xây dựng dân dụng. Trong trường hợp chúng ta thêm các chất vô khác để dùng như các nước thì khả năng chi phí có thể tăng rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng bày tỏ lo lắng: Rõ ràng việc vào cuộc tìm giải pháp cho nguồn cát san lấp là chưa kịp thời. Mãi đến tháng 8-2022 chúng ta mới có những nghiên cứu đầu tiên, trong khi đó theo tiến độ thì phải đến hết 2023 mới kết thúc thử nghiệm. Như vậy, nếu thử nghiệm thành công thì phải đến 2024 mới có thể khai thác cát biển đưa vào sử dụng, trong khi các dự án đang triển khai theo tiến độ thì gần như đã phải san lắp hết, đặc biệt là trong năm 2023  nhu cầu san lấp sẽ rất nhiều.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu các chủ đầu tư phải tìm ra phương án khác khả thi hơn, cũng không thể trông chờ vào nguồn cát của An Giang hay Đồng Tháp. Vì không thể khai thác đột ngột cả chục triệu m3 cát sẽ phát sinh về vấn đề môi trường. Trong trường hợp phải nhập cát từ nước ngoài sẽ phát sinh thêm chi phí, dẫn đến trượt tổng mức đầu tư, nên các chủ đầu tư phải hết sức cân nhắc, chủ động lường trước tình hình trong các phương án tài chính.

Tin cùng chuyên mục