Vấn nạn bơm tạp chất vào tôm

Vấn nạn của ngành tôm gần 20 năm qua là bơm “tạp chất” tăng trọng. Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam, các tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đều không thể chấm dứt tình trạng này. Đặc biệt, 2 năm qua, khi thương lái Trung Quốc vào mua tôm và “đặt hàng”, kể cả việc cung cấp “thiết bị” bơm chích làm cho vấn nạn này trở nên đáng báo động.
Vấn nạn bơm tạp chất vào tôm

Vấn nạn của ngành tôm gần 20 năm qua là bơm “tạp chất” tăng trọng. Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam, các tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đều không thể chấm dứt tình trạng này. Đặc biệt, 2 năm qua, khi thương lái Trung Quốc vào mua tôm và “đặt hàng”, kể cả việc cung cấp “thiết bị” bơm chích làm cho vấn nạn này trở nên đáng báo động.

Vấn nạn tôm tạp chất gây ảnh hưởng xấu đến nghề nuôi tôm.

“Dịch bệnh” lan rộng

Bơm tạp chất (chủ yếu là agar) vào tôm đã xuất hiện từ lâu, thường diễn ra vào thời điểm giáp hạt, khan hiếm nguyên liệu tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, đầu tiên và trọng điểm ở 4 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Bộ Thủy sản trước đó, sau này là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần phối hợp địa phương để ngăn chặn. Mỗi lần “ra quân” đều đạt kết quả, tình hình giảm xuống thấy rõ.

Nhưng sau “chiến dịch” đâu lại vào đấy, điều đáng nói hơn, tính chất của việc bơm tạp chất vào tôm ngày càng trở nên quy mô, bài bản hơn khi hình thành cả “làng” bơm tạp chất được phối hợp nhịp nhàng. Nhưng tính chất và sự tinh vi xuất hiện 1 - 2 năm qua khi có sự tham gia của các thương lái Trung Quốc mua trực tiếp và tổ chức bơm trước khi vận chuyển qua biên giới.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bên cạnh 4 điểm nóng “truyền thống” kể trên, giờ đã lan đến các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, kể cả TPHCM và các tỉnh Nam Trung bộ. Quan ngại hơn, nếu như trước đây chỉ có thương lái thực hiện, nay trước đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc, đã xuất hiện doanh nghiệp cùng tham gia.

Chủ trại nuôi tôm ở Mỹ Tú, Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Quan Huy cho biết, giờ đây một số người nuôi cũng làm việc này. Tất cả theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc với dàn bơm “hiện đại”, quy mô. Bơm 3 lần để tăng trọng thêm 10% - 15% - 20%. Với cách làm này mỗi ký tôm tạp chất thu thêm 70.000 - 80.000 đồng. Một khoản lợi nhuận quá hấp dẫn.

Lúng túng xác định tội danh

 

* Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ban hành chỉ thị về việc ngăn chặn hành vì đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở tái phạm, công bố công khai các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

 

Do việc phòng chống việc bơm tạp chất lúc đầu chưa đồng bộ, mỗi tỉnh tự làm. Khi phối hợp, lập ban chỉ đạo chung giữa các bộ ngành, địa phương cũng không khá hơn, bởi chưa đến kiểm tra thì nơi đó đã biết.

Mới đây khi Bộ NN-PTNT cùng ngành công an tổ chức góp ý về đề án kiểm soát, ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu mới vỡ ra nhiều điều.

Theo phản ánh của các địa phương trọng điểm, cần kiểm soát từ 2 phía. Chúng ta nói nhiều về những người bơm tạp chất, nhưng lại chưa chú ý doanh nghiệp (DN) biết tôm có tạp chất vẫn mua. Nếu DN biết cơ sở nào, nơi nào bán tôm tạp chất, chỉ cần báo cho công an tại chỗ sẽ giải quyết vấn đề một cách đơn giản rất nhiều. Chính vì DN cũng chấp nhận việc mua tôm tạp chất nên khó có thể ngăn chặn hiệu quả. Nếu DN này không mua đã có DN khác mua.

Theo ông Nguyễn Văn Phục, Giám đốc Công ty thủy sản Sạch, có ông trùm bơm tạp chất tuyên bố là “bất khả xâm phạm”(!?).

Một lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nguyên nhân có nhiều, không loại trừ tình trạng tiêu cực, bản thân anh em công an cũng có cái khó. Có trường hợp, khi test nhanh phát hiện có, nhưng khi kiểm định lại không; hoặc phát hiện xe vận chuyển nghi ngờ có tôm tạp chất, phải chờ kết quả từ cơ quan kiểm nghiệm, vừa chờ lâu vừa hồi hộp, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong phối hợp, xử lý chưa chặt chẽ. Tinh thần, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã nhiều nơi còn buông lỏng. Nhưng vì sao thực tế vẫn còn tình trạng mua bán là điều cần bàn. Các DN dù “nói không với tôm tạp chất” nhưng có DN vẫn âm thầm mua thì vẫn còn người tiếp tục “đáp ứng”.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cần xác định được tội danh để có cơ sở xử phạt. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát NDTC, tòa án NDTC và các bộ ngành liên quan nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Nhưng đại diện Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng, yếu tố cấu thành tội phạm không phù hợp với tội danh lừa đảo. Vì bản thân DN thừa biết tôm có tạp chất và dựa vào lý do này để mua giá rẻ hơn. Cả 2 bên đều có sự thông đồng.

Ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, điều quan trọng là ý thức của mọi người, nhất là DN. Nếu chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài sẽ nguy hại đến cả ngành hàng. Ông Lê Minh Quang cho biết, việc kiên quyết và kiên trì bán tôm “sạch” nên công ty của ông luôn bán được giá cao 2 USD/kg. Cũng đã xuất hiện khá nhiều DN đi theo hướng này. Có thể nói, đó là điểm sáng của ngành tôm hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp (Bộ Công an) đưa ra các nhóm giải pháp: cần hoàn thiện cơ sở pháp lý hành động này, phổ biến pháp luật, và kiểm tra, bắt giữ, xử lý.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục