Dù thời điểm phương Tây tấn công Syria chưa được ấn định nhưng hậu quả sau cuộc chiến đã được bàn luận rôm rả. Thiệt hại (sẽ có) mà giới truyền thông mổ xẻ nhiều chính là biểu đồ giá dầu bởi nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế thế giới.
Chỉ mới xuất hiện thông tin về kịch bản trận chiến, giá dầu đã tăng cao nhất trong 18 tháng qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên thị trường châu Á tăng lên 111,96 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc tăng 115 USD/thùng. Syria vốn dĩ không phải là nguồn cung dầu mỏ chính trong khu vực khi chỉ chiếm 0,2% sản lượng dầu thế giới, vậy lý do gì khiến giá dầu tăng vọt?
Tờ Huffting Post lý giải, dầu vốn là một giá trị đặc biệt nhạy cảm với những căng thẳng ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Tuy không phải là nước có sản lượng dầu lớn nhưng cuộc chiến mở rộng tại Syria sẽ gây ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển dầu.
Câu chuyện tương tự từng xảy ra ở Ai Cập. Chỉ chiếm 0,9% sản lượng dầu thế giới với số lượng xuất khẩu 2 triệu thùng/ngày nhưng cuộc chiến ở Ai Cập đã đẩy giá dầu mỏ tăng vọt do tuyến đường vận chuyển dầu ở Ai Cập kết nối từ biển Đỏ đến Địa Trung Hải. Cuộc chiến do phương Tây phát động ở Syria sẽ tạo tâm lý sợ hãi về sự thất thoát sản lượng dầu khi đi qua khu vực này, ngăn chặn “vàng đen” từ Trung Đông đến châu Âu và châu Á.
Bên cạnh đó, việc sản xuất dầu mỏ tại Libya, quốc gia sản xuất dầu mỏ đứng thứ 15 thế giới, đang rơi vào khủng hoảng khiến nguồn cung “vàng đen” gặp không ít trở ngại. Trước khi cuộc chiến bùng phát vào tháng 2-2011, sản lượng dầu mỏ của Libya đạt 1,6 triệu thùng/ngày, nay chỉ còn khoảng 330.000 - 670.000 thùng/ngày. Chiến tranh phá hủy phần lớn các nhà máy sản xuất dầu ở Libya. Sau cuộc chiến, Libya rơi vào khủng hoảng chính trị khiến ngành sản xuất bị đình trệ, thiếu nhân công. Tham nhũng xuất hiện ở công ty dầu khí quốc gia cũng cản trở nguồn cung dầu.
Theo hãng tin Reuters, phải mất 1 năm nữa, Libya mới có thể đưa sản lượng dầu mỏ về mức 1 triệu thùng/ngày trước khi quay lại mức trước nội chiến. Một số nhà phân tích khác lo ngại rằng giới đầu cơ còn có thể lợi dụng căng thẳng Trung Đông và tâm lý lo lắng về cuộc chiến Syria để mua ồ ạt dầu, đẩy giá dầu lên cao khi nguồn cung rơi vào khan hiếm.
Lịch sử qua những biến động chính trị từ những năm 1970 đến nay cho thấy giá dầu sẽ tăng chứ không giảm. Chiến tranh Iraq, chương trình hạt nhân tranh cãi của Iran, xung đột Ai Cập, chiến tranh Libya, đều từng làm gián đoạn lượng dầu cung cấp của Trung Đông cho toàn thế giới. Điều gây quan ngại hơn cả là sự kiện “cao điểm dầu”. Giá dầu, nếu tiếp tục lên cao quá một giới hạn nào, chắc chắn sẽ gây lạm phát và ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Đây là điều mà các lãnh đạo phương Tây chắc hẳn không hề mong muốn khi kinh tế thế giới vẫn còn trong quá trình phục hồi mong manh.
Kinh tế Mỹ chỉ ở bước đầu thoát khỏi khủng hoảng. Còn ở Anh hay Pháp, những đầu tàu kinh tế châu Âu, bóng đen suy thoái kinh tế vẫn chực chờ đe dọa. Sự chần chừ của phương Tây trong cuộc chiến ở Syria cũng xuất phát từ nguyên nhân này? Có thể, giá dầu không phải là nguyên nhân chính song khi cuộc chiến xảy ra, hậu quả của nó chắc chắn sẽ không thể chỉ tính trên giá dầu mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
THANH HẰNG