
Thời gian gần đây, cùng với việc phát triển của thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ), các dịch vụ kèm theo như cài đặt, sửa chữa, thay thế linh kiện - phụ kiện cho dòng sản phẩm này cũng là một lĩnh vực kinh doanh khá hấp dẫn.
Thị trường đa dạng
Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), tốc độ tăng trưởng về ĐTDĐ của Việt Nam hiện nay đạt 62,7%/năm, một tốc độ tăng trưởng cao so với châu Á và nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ ĐTDĐ so với dân số thì VN hiện nay mới chỉ đạt 10,68 máy/100 dân, con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh từ nay đến 2010. Điều này chứng tỏ, không chỉ có việc kinh doanh, buôn bán ĐTDĐ phát triển mà các dịch vụ kèm theo như cài đặt, sửa chữa, thay thế linh kiện - phụ kiện cho ĐTDĐ cũng là một nghề đầy hứa hẹn.

Thực tế cho thấy, trên thị trường hiện nay, các loại linh kiện, phụ kiện dành cho ĐTDĐ khá phong phú, có đến hàng chục nhãn hiệu khác nhau với chất lượng, giá cả không giống nhau. Dọc theo các “phố di động” như đường 3-2 (Q.10), Hùng Vương (Q.5), Hai Bà Trưng (Q.1), các cửa hàng dịch vụ, kinh doanh mua bán ĐTDĐ mọc lên như nấm.
Hàng trăm cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, ký gửi ĐTDĐ lớn nhỏ đua nhau bày bán các linh kiện, phụ kiện kèm theo với đầy đủ các chủng loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Điều này đã khiến cho các sản phẩm trên hiện đang ở vào tình trạng “giá cả tự do”, cao thấp khác nhau dù chất lượng thì gần như nhau.
Chẳng hạn, cùng thay một sợi dây cáp nguồn cho chiếc Samsung E 500 nhưng có nơi đòi 500.000 đ/dây và có nơi chỉ lấy 200.000 đ/dây. Hay thay bo mạch cho chiếc Nokia 6030, cửa hàng này tính 250.000 đ/cái nhưng cửa hàng khác chỉ lấy 100.000 đ/cái. Một số chủ cửa hàng sửa chữa, thay thế linh kiện cho ĐTDĐ trên đường Hùng Vương cho rằng: đây là một nghề dễ kiếm tiền, bởi một ngày chỉ cần thay được một sợi dây nguồn màn hình thôi là họ có thể đút túi từ 50.000 đ-150.000 đ.
Bên cạnh đó, các phụ kiện như tai nghe, thẻ nhớ, đèn màn hình cũng được bán với giá chênh lệch từ 50.000 đ – 100.000 đ so với các sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, đối với các loại thẻ nhớ, bluetooth thì ít có hàng nhái, hàng giả, vì các phụ kiện này chỉ tương thích với một số dòng điện thoại cao cấp.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Có thể nói, thị trường linh kiện, phụ kiện cho ĐTDĐ hiện nay khá đa dạng với giá cả khá chênh lệch, trong khi chất lượng thì không giống nhau. Bên cạnh các sản phẩm chính hãng có giá khá cao thì thị trường cũng đang xuất hiện khá nhiều hàng nhái với giá rẻ và chất lượng kém.
Đa số các dòng sản phẩm này đều có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc hoặc hàng nhập lậu từ nhiều nước khác vào VN. Vì vậy, người tiêu dùng (NTD) khó phân biệt được đâu là hàng xịn, đâu là hàng kém chất lượng nên dễ xảy ra tình trạng mua phải hàng dỏm với giá cao ngất trời mà không hề hay biết. Đáng nói hơn là đã có một số trường hợp điện thoại phát nổ do mua pin và đồ sạc pin không tương thích với máy. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với NTD.
Do đó, NTD nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ khi mua hay thay thế bất cứ một linh kiện, phụ kiện nào cho chiếc ĐTDĐ của mình. Theo một số nhà sản xuất, kinh doanh ĐTDĐ, NTD cần phải cảnh giác với các loại linh kiện rẻ tiền, không rõ nguồn gốc… Để tránh những hậu quả, rủi ro đáng tiếc.
Một điều nữa, NTD cũng cần nhớ là mua điện thoại chính hãng thì bao giờ cũng được chăm sóc chu đáo và được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với các loại hàng hàng trôi nổi. Mặt khác, khi chiếc ĐTDĐ của mình có bất cứ trục trặc, hư hỏng gì về loa, màn hình, phím liệt hay bị lỗi phần mềm kết nối, không nhận thẻ sim… thì tốt nhất nên mang đến các trung tâm bảo hành hoặc những nơi sửa điện thoại có uy tín để khắc phục nhằm tránh được những rắc rối, sự cố trong quá trình sử dụng.
Thanh Hùng-Xuân Quyền