Đường ống cấp nước sông Đà là công trình rất quan trọng liên quan tới đời sống dân sinh của người dân thủ đô nhưng đã bị vỡ nhiều lần gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Đặc biệt, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng công ty Vinaconex) là đơn vị chủ đầu tư xây dựng và quản lý tuyến đường ống nước sông Đà đã phải bỏ ra hơn 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa cho những lần vỡ ống nước. Tệ hơn nữa do rất nhiều lần ống nước bị vỡ mà có tới gần 200.000 hộ dân lâm vào cảnh “chết khát” vì không được cấp nước trong thời gian 343 giờ...
Trên đây là một trong những nội dung kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” làm 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an công bố. Theo đó, trong vụ án này, ngoài 9 bị can đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex gồm các ông: Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, sau này là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân (Tổng Giám đốc), Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm (đều là thành viên HĐQT của Vinaconex) có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình vì đã ra quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực trong việc xây dựng tuyến đường ông nước sông Đà.
Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà- Hà Nội
Mặc dù gây nên hậu quả rất nghiêm trọng như trên nhưng thật đáng ngạc nhiên khi cả 5 vị cựu quan chức trên đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ vì do phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn và không có vụ lợi.
Trong khi đó, rõ ràng những sai phạm của cả 5 cựu quan chức trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự. Do đó, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 5 cá nhân nêu trên đang khiến cho dư luận xã hội, cũng như người dân cảm thấy rất bức xúc. Dư luận cho rằng, kết luận của cơ quan điều tra không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của một số lãnh đạo của Vinaconex, trong đó có ông Phí Thái Bình có thể bỏ lọt tội phạm, cũng như tạo tiền lệ rất xấu trong hoạt động tố tụng, khiến việc truy tố và xét xử vụ án thiếu khách quan, không triệt để. Hơn nữa việc không truy cứu trách nhiệm của những cá nhân trên cũng sẽ không công bằng với các bị can khác trong vụ án này đã bị khởi tố và bắt tạm giam.
Mới đây, tại TPHCM, vụ hai người mới chỉ ở tuổi vị thành niên, chưa từng có tiền án tiền sự, nhưng chỉ vì trong chốc lát bồng bột, đã thực hiện việc cướp giật ổ bánh mì và một ít đồ ăn trị giá chưa tới 50.000 đồng, mà bị Tòa án nhân dân quận Thủ Đức phạt tù tới gần 1 năm, đã khiến dư luận không hài lòng. Trong khi đó, sự cố vỡ ống nước sông Đà tới 18 lần không chỉ thiệt hại nặng nề về tiền của mà còn khiến cho cuộc sống hàng triệu dân bị ảnh hưởng.
Trước 2 vụ án nêu trên, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc xem xét lại. Đối với vụ án cướp bánh mì, yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt cho hai người còn tuổi vị thành niên khi vi phạm pháp luật. Còn đối vụ án vỡ ống nước sông Đà, yêu cầu xem xét lại việc vì sao không khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 5 cựu quan chức nêu trên. Rõ ràng, sự vào cuộc kịp thời của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong 2 vụ án trên là rất cần thiết, đáp ứng kịp thời với mong mỏi của dư luận xã hội.
MINH KHANG