Vào hang hổ Ngườm Ngao

C.T
Vào hang hổ Ngườm Ngao

Đường đến động Ngườm Ngao phải trèo qua một dốc núi, rồi băng ngang một bãi ngô dài. Bù lại, cảnh quan thật đẹp. Hai bên đường lên dốc, hoa dại nở đầy, còn bãi ngô trải rộng, mơn mởn, tốt tươi. Khi lưng áo bắt đầu thấm mồ hôi, tôi nhìn thấy tên Ngườm Ngao chữ trắng trên vách núi xanh phía trước.

Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là hang hổ, vì truyền thuyết kể rằng ngày xưa nơi đây hổ sống và gầm gừ âm vang vách đá... Động này cách thác Bản Giốc chừng dăm cây số theo đường chim bay, nhưng đường xe chạy vòng cũng mất vài mươi phút, và cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của Cao Bằng. 

Mấy chục năm trước, tôi đã nghe tiếng Ngườm Ngao và biết người Pháp phát hiện hang này cách nay ngót trăm năm, nhưng không ngờ nó lại đẹp và kỳ thú đến vậy khi tôi được vào hang hổ Ngườm Ngao dạo chơi suốt chiều dài hơn ba ngàn mét...

Không ngờ vì khi cô gái Tày tên Nguyệt hướng dẫn tôi tới cửa vào hang, tôi hơi thất vọng: cửa động khá nhỏ, nằm gần sát mặt đất, bị hoa dại và dây leo che khuất, lại có vệt đá chia đôi nên cửa càng có vẻ nhỏ nhoi, không “xứng kỳ danh” như tôi tưởng tượng. Tôi thoáng nghĩ, cửa hang khiêm tốn nằm dưới đất mà tên hang lại to, treo ngược trên sườn núi cao... Nhưng tôi thật “bé cái lầm”...

Ảnh: C.T

Ảnh: C.T

Hang tối mờ, bù lại không khí mát mẻ, dễ chịu. Theo một tài liệu tôi tìm đọc được thì Ngườm Ngao là động đá vôi được hình thành từ 300 triệu năm trước Công nguyên, nhiệt độ trong hang luôn ở khoảng 18 – 25°C, hè mát, đông ấm... Những ánh đèn đặt rải rác trong hang không đủ soi sáng cho cặp mắt không quen, tôi phải lò dò từng bước. Nguyệt quay lại nắm tay dắt tôi đi và soi đèn chỉ từng nhũ đá lạ trong hang kèm giọng thuyết minh trong trẻo, ấm áp. Này là thác vàng, thác bạc với loại đá thạch anh lấp lánh nhũ bạc, nhũ vàng... Này là cây san hô đá... Này là cây tơ hồng, kia bầu sữa mẹ, nọ chú cóc thần... Còn kia là buổi thiết triều của nhà vua, bên cạnh là cây đàn đá. Cô càng lưu ý tôi những điểm nhấn nổi bật nhất của Ngườm Ngao không thể bỏ qua như cây san hô, cây thuyền buồm…

Nguyệt dắt tôi đến chỗ “đài sen úp ngược” và “cột đá cô đơn”... chỗ có hình thù thú vị nhất. Một bạn trẻ chụp hình đi theo mời tôi chụp ảnh. Tôi đồng ý ngay vì máy ảnh tôi không đủ độ sáng. Đèn rọi bật lên. Ôi, sao lại có nhũ đá đẹp lạ lùng đến vậy! Một bông sen úp ngược! Một bông sen hồng, mịn màng rực rỡ giữa hang hổ Ngườm Ngao, xòe cánh trên đầu, rộng cỡ chiếc màn đôi...

Đèn tắt, Nguyệt cất giọng kể sự tích: Ngày xưa có một vị tu hành ngồi trên đài sen tu mãi mà không thành chính quả, quá buồn chán, phẫn chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá cô đơn đứng bên cạnh đài sen...

Sàn động chỗ này dợn sóng rất khó đặt chân, hình như mấy trăm triệu năm trước, có một dòng sông đã chảy qua đây và đá vôi lưu những nếp lượn như cát lưu sóng biển. Thấy tôi loạng choạng, Nguyệt lại nắm tay dắt tôi đi tiếp. Có tiếng nước róc rách đâu đây. Nguyệt soi đèn. Một dòng suối hiện ra, nước trong vắt, chảy lấp lánh dưới ánh đèn, luồn qua những nhũ đá muôn hình nghìn vẻ, chẳng biết đổ về đâu. Chính con suối này làm nên “máy điều hòa nhiệt độ” trong hang, hè mát, đông ấm, lại phát ra bản nhạc thiên nhiên êm ái, dịu dàng, bất tận với thời gian...

Trên đường ra, Nguyệt chỉ cho tôi xem nhũ đá giống tượng Di Lặc đang ngồi cười, rồi con hổ, con lạc đà và một chú ngựa tiễn chân... Đang đi, Nguyệt kéo tôi dừng lại, bảo xòe tay ra: một giọt nước rơi tách xuống tay tôi. Nguyệt cười, thuyết minh: nước may mắn, tiễn du khách ra về. Lấy nước này xoa tay, xoa trán sẽ được nhiều may mắn, hạnh phúc... Cô soi đèn lên vách núi phía trên: một nhũ đá giống bàn tay nắm, ngón trỏ chĩa xuống, từ đó, nước nhỏ giọt, chậm rãi, đều đặn suốt ngày đêm, như đếm thời gian của hàng triệu năm qua từng giây trôi chậm...

Đã thấy quầng sáng dọi xuống từ cửa hang. Hóa ra cửa này trổ đúng dưới chữ Ngườm Ngao treo cao trên vách núi, như bảo tôi: Anh thấy chưa, danh bất hư truyền! Hóa ra tôi đã đi xuyên cái hang luồn qua ba trái núi.

Ngay bên cửa động, có tảng đá to, mặt đứng mài phẳng lì khắc chìm mấy dòng chữ. Qua gần trăm năm, chữ đã mờ, nhưng còn đọc được con số 1921, và tên những người đầu tiên phát hiện “hang hổ” này. Có hai người Việt Nam: Lê Văn Định và Hoàng Huy Giao. Bên trên, tên một người Pháp. Chữ khắc mờ quá nên tôi phải nhờ Nguyệt đánh vần từng chữ mà tôi không chắc mình ghi lại có chính xác không: Darmé S Denis...

Ra về mà lòng vương vấn với nhũ đá, với dòng suối róc rách trong động Ngườm Ngao... Bất giác nghe dặt dìu bản nhạc Thiên thai của Văn Cao, “chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian...”, rồi mấy câu thơ có suối, có động khiến tôi muốn quay lại ném xuống suối một bông hoa dại đang cầm nơi tay xem nó trôi dạt về đâu:

Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
(Hoa lưu cửa động còn vương mãi
Nước chảy về trần cứ chảy xuôi)

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục