Vào mùa đối phó dịch bệnh

Vào mùa đối phó dịch bệnh

Dù các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên giữ vệ sinh nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh của không ít người dân hiện vẫn đang ở mức báo động.

Do đang chuyển mùa nên lượng bệnh nhi chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao. Ảnh: MAI HẢI
Do đang chuyển mùa nên lượng bệnh nhi chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao. Ảnh: MAI HẢI

Sau những cơn mưa đầu mùa để lại không ít ao tù nước đọng ở nhiều nơi cũng là lúc nhiều vật dụng, đồ phế thải trở thành nơi chứa nước và là môi trường cho muỗi sinh sôi nảy nở. Khảo sát tại nhiều địa phương như khu vực bán đảo Thanh Đa, khu vực cầu Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), bến Phú Lâm (quận 6), Lò Gốm (quận 4), Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), huyện Nhà Bè…, nhiều người dân vẫn chủ quan cho rằng “trời kêu ai nấy dạ”, bệnh tật là “hên xui” chứ việc gì mà bỏ thời gian công sức dọn dẹp (?!).

Ngoài mối lo dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa, tình hình dịch bệnh tay chân miệng hiện đang diễn biến phức tạp mà nguyên nhân khiến cho số lượng bệnh nhân gia tăng, số ca tử vong trong thời gian qua tăng cao có phần từ sự chủ quan của người dân.

Theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngoài nguyên nhân do virus gây bệnh chân tay miệng biến chủng, có độc lực cao, nguyên nhân thứ hai khiến tình hình dịch bệnh tăng nhanh là do công tác phòng ngừa dịch bệnh ở cộng đồng chưa thật sự quyết liệt, mất cảnh giác.

Qua kiểm tra, các đoàn thanh tra sở y tế đã phát hiện nhiều trường mầm non chưa thực hiện nghiêm túc việc giữ gìn vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà và môi trường. Lo ngại hơn là nhiều gia đình đang chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Do đó, có tới khoảng 70% số trẻ mắc bệnh tay chân miệng khởi phát tại gia đình. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người, nhất là trẻ em, vẫn chưa có thói quen rửa tay trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh đúng cách.

Theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 ca tử vong và hiện đang có 15 trẻ bị bệnh tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch vì bị biến chứng lên não. Thống kê cho thấy, mỗi tuần có khoảng 300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện quá đông gây quá tải trầm trọng. Trong tháng 4-2011, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện là 319 ca, đến cuối tháng 5-2011 đã lên tới gần 500 ca. Riêng ngày 23-5, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 đã tiếp nhận 104 ca. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 2 mẫu cho kết quả xuất hiện chủng virus mới (chủng virus EV71 phân nhóm B2 có độc lực cao). Đây là nguyên nhân gây ra nguy cơ biến chứng và tử vong cao cho trẻ.

Trong khi đó, thời tiết Nam bộ bắt đầu chuyển sang mùa mưa nên nhiều dịch bệnh khác cũng được dự báo có nguy cơ bùng phát. Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và thủy đậu cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 46 ca thủy đậu (trong đó có 7 trẻ em), 299 ca sốt xuất huyết (trong đó có 58 trẻ em). So với cùng kỳ năm 2010, số ca thủy đậu, sốt xuất huyết tăng gần 100%. Trong tháng 4-2011, có 422 ca sốt xuất huyết, 65 ca thủy đậu, trong khi đó, cùng kỳ năm 2010 chỉ có 31 ca thủy đậu và 232 ca sốt xuất huyết. Dù chưa có trường hợp tử vong, song đáng chú ý là số ca sốt xuất huyết độ nặng chiếm tỷ lệ khá cao.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khẳng định, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy… là những bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nhưng người dân có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng, phát quang bụi rậm, đậy nắp các lu khạp chứa nước để tránh tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Ngoài ra, cần vệ sinh khử khuẩn sàn nhà, đồ chơi cho trẻ hàng ngày, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

VINH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục