Cứ vào dịp hè, các bệnh viện (BV) chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM lại “vào mùa” cấp cứu, xử trí trẻ bị tai nạn. Những ngày qua tình trạng trên đã có xu hướng gia tăng, từ mức độ nhẹ như sặc hạt, bị bỏng đến gãy tay, chân…
Sơ sẩy, trẻ nguy kịch
Nhập BV Nhi đồng 2 TPHCM hồi giữa tuần qua trong tình trạng khó thở, kèm theo tiếng thở rít thanh quản, bé P.Đ.D (18 tháng tuổi, ngụ quận Thủ Đức) được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng. Chụp X-quang, các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh ứ khí nhiều ở 2 phổi của bé nên quyết định mổ nội soi phế quản bán khẩn cấp và bất ngờ gắp ra được một hạt bí trong đường thở của bé. Theo người nhà bé D., nguyên do hạt bí vào phổi có thể trước đó mấy hôm gia đình đã dọn hạt bí cho mọi người ăn chơi và vô tình bé D. đã ăn phải mà không ai hay biết.
Vừa qua, BV Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận em V.C.T (9 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) trong tình trạng sốc, co giật do thiếu oxy lên não. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bé T. bị ngạt nước, phù phổi, hôn mê sâu. Điều tra bệnh sử cho thấy chiều 30-5, bé T. theo các bạn đi bơi ở hồ bơi gần nhà và do không biết bơi nên bị sặc nước.
Theo khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2, những ngày qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng các trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện, bình quân mỗi ngày 3 - 4 em. Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 1, tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích như bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất cũng có xu hướng tăng. Điển hình là mới đây BV đã tiếp nhận một lúc 5 em bé bị ngộ độc do ăn nhộng ve sầu nhiễm nấm từ BV tỉnh Bình Thuận chuyển vào. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1 cho biết tai nạn thương tích ở trẻ nhập viện như cơm bữa và có vô vàn tình huống. Nào là bị bỏng nước sôi, uống nhầm thuốc trừ sâu, nuốt phải pin, té vào xô nước, té cầu thang… “Tất cả đều do cha mẹ hay người giữ trẻ không cẩn thận khi chăm sóc các cháu”, BS Tiến nhìn nhận.
Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, mỗi năm nơi đây tiếp nhận gần 1.000 ca trẻ bị tai nạn, nhiều trẻ rất nguy kịch. Và con số tương tự cũng được BV Nhi đồng 2 ghi nhận. Còn tại BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, BS Phan Dư Lê Thắng, khoa vi phẫu, cũng cho biết trẻ bị gãy tay, gãy chân nhập viện không phải ít trong thời gian qua. Bên cạnh những trường hợp nhẹ do ngã xe, té cây, cũng có nhiều trường hợp nặng như giập cánh tay, giập bàn tay, bàn chân do bị vật nặng đè hoặc bị kẹt tay cánh cửa, máy móc…
Cơ sở y tế thiếu bác sĩ nhi
Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ trong độ tuổi 1 - 14. Báo động hơn, số ca chết từ tai nạn năm sau đều tăng gần gấp đôi năm trước. Số liệu sơ bộ ghi nhận 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy tại TPHCM đã có khoảng hơn 20.000 trẻ em bị tai nạn nhập viện điều trị, trong đó có hàng chục em đã tử vong ở độ tuổi 0 - 4. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích TPHCM, địa điểm xảy ra tai nạn và chết đều tập trung nhiều tại nhà, còn lại xảy ra trên đường đi, ở trường học.
Trong tổng số ca cấp cứu ở các BV, bộ phận ảnh hưởng do tai nạn thương tích tập trung nhiều ở chi, tiếp đến là đầu, mặt, cổ và đa chấn thương. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết: “Trẻ bị ngã là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tích, tiếp đến là tai nạn giao thông, hóc dị vật”. Theo BS Mỹ, mùa hè thường là thời điểm gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ bởi hầu hết trẻ ở nhà chơi, người lớn đi làm hoặc bất cẩn. Trong đó, một phần do người lớn gián tiếp và trực tiếp gây ra cho trẻ. “Té nước, điện giật, phỏng… thường xảy ra ở trẻ mới biết đi, biết bò do trẻ muốn tìm hiểu xung quanh.
Ngoài ra để các vật dụng như thuốc men, đồng xu… trong tầm với của trẻ cũng rất nguy hiểm”, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo. Điều đáng nói, ngoài việc bất cẩn của các bậc phụ huynh thì công tác cấp cứu kịp thời tai nạn thương tích cho trẻ rất hạn chế. Hiện hầu hết các trạm y tế phường - xã chưa có bác sĩ nhi khoa, còn phần lớn BV quận - huyện không có bộ phận cấp cứu nhi. Mặt khác, việc đào tạo, huấn luyện cán bộ y tế trường học cũng chưa chú trọng đến việc sơ, cấp cứu ban đầu cho trẻ gặp tai nạn.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện TP có 1.200 trường mầm non, mẫu giáo nhưng cán bộ y tế chỉ đáp ứng 37% - 40%, trong đó chỉ khoảng 10% cán bộ y tế đạt chuẩn. Chính vì vậy, có những cái chết thương tâm, có những đứa trẻ gần như sống sót với cuộc đời tàn tật… bởi những bất cẩn mà người lớn gây ra hoặc không cấp cứu kịp thời.
Dịp hè đang đến, trẻ không đến trường là thời điểm nguy cơ cao cho các tai nạn thương tích ở trẻ. Do đó, cùng với “Tháng hành động vì trẻ em”, các bậc phụ huynh cần chú ý đến hoạt động vui chơi của trẻ ở nhà hoặc khi đi du lịch.
Tường Lâm