Vật liệu thi công đường cao tốc: Thiếu trầm trọng vì vướng giấy phép

Liên tục những ngày qua, nhiều dự án đường cao tốc rơi vào tình cảnh khó khăn, giậm chân tại chỗ bởi thiếu trầm trọng vật liệu cung ứng làm đường. Đơn vị thi công đã cầu cứu các địa phương và Trung ương hỗ trợ, đồng thời tìm mọi giải pháp căng kéo để không gián đoạn thi công quá lâu. 

Hàng loạt dự án ì ạch

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Khánh Hòa (đoạn TP Nha Trang - huyện Cam Lâm) cần hơn 3,5 triệu m³ đất đắp nền đường. Tuy nhiên, qua khảo sát trữ lượng, các mỏ cung cấp đất san lấp tại địa phương chỉ đáp ứng hơn 1 triệu m³.

Trước đó, tháng 3-2021, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị chỉ đạo các địa phương ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm cung cấp vật liệu đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa. Bộ nêu rõ việc bổ sung quy hoạch, cấp phép, nâng công suất khai thác vật liệu để đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Theo ông Bùi Minh Sơn, Trưởng phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa), những mỏ đã được cấp phép hiện không đủ trữ lượng phục vụ cho dự án cao tốc. Còn những mỏ đất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành giao thông đề xuất lại nằm ngoài quy hoạch khoáng sản, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, nên không đủ cơ sở pháp lý để cấp phép khai thác.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, việc thực hiện thủ tục cấp phép theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt phải tốn nhiều thời gian nên không đảm bảo đúng tiến độ cấp phép phục vụ dự án cao tốc. Bên cạnh đó, các điểm mỏ đất đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà BQLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác để phục vụ san lấp cho dự án đều nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030.  

Ngoài ra, để đủ điều kiện cấp phép theo quy định, các khu vực nằm ngoài quy hoạch khoáng sản phải được bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ do các bộ, ngành Trung ương tổ chức lập quy hoạch theo thẩm quyền. Do vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa không đủ cơ sở để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh. 

Chung tình cảnh, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết cũng đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu vật liệu san lấp. Theo báo cáo của chủ đầu tư là BQLDA Thăng Long, để thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu cần khoảng 2,9 triệu m³ đất nguyên thổ và 2 triệu m³ đá, cấp phối các loại. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt ở địa bàn tỉnh Đồng Nai có 10 mỏ đất đắp với trữ lượng khoảng 9 triệu m³, 6 mỏ đá các loại với trữ lượng hơn 40 triệu m³. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phần lớn các mỏ đất đắp chưa được cấp phép nên nguồn đất phục vụ dự án đang thiếu trầm trọng.

Còn tuyến tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dù được khởi công vào đầu năm 2021 nhưng đến nay tiến độ ì ạch. Ghi nhận ở các gói thầu, công nhân vẫn có mặt tại công trình, nhưng việc thi công khá chậm. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn vật liệu cát.

Giải thích việc này, ông Võ Thanh Phong, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ), cho biết: “Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khoảng 2 triệu m³; trong đó nhu cầu cấp bách là khoảng 800.000m³ cát đắp nền đường. Hiện nay, do thiếu cát nên dự án không thể thi công như kế hoạch”.

Vật liệu thi công đường cao tốc: Thiếu trầm trọng vì vướng giấy phép ảnh 1 Các mỏ khoáng sản tại tỉnh Khánh Hòa không đủ cung cấp đất cho dự án đường cao tốc. Ảnh: VĂN NGỌC
Cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép

Để đảm bảo nguồn vật liệu san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Trung ương xem xét cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền cho dự án đường cao tốc. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để được cấp phép khai thác đối với các điểm nằm ngoài khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản đã được phê duyệt trước đây, nhằm phục vụ dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, UBND tỉnh có văn bản trình Chính phủ đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp, phục vụ các công trình trọng điểm. Trước mắt, để tránh việc phải ngưng thi công do thiếu nguồn đất đắp, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết cho chủ đầu tư một số vị trí khai thác đất theo mục đích cải tạo đất nông nghiệp, và đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các đơn vị liên quan gấp rút thực hiện thủ tục cấp phép để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu cho dự án. Về lâu dài, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục cấp phép đối với các mỏ đất, đảm bảo nguồn cung vật liệu cho quá trình thi công.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nguồn cát sông ở tỉnh hiện tại được tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách của Trung ương và của tỉnh. Hiện trữ lượng cát ở An Giang ngày càng ít. Song với những khó khăn của nhà thầu thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do khan hiếm cát, UBND tỉnh An Giang cam kết hỗ trợ tối đa. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ 800.000m³ cát cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; trong đó hỗ trợ 100.000m³ cát trong tháng 6 và tháng 7 để nhà thầu đắp nền đường đúng tiến độ... Phía tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất hỗ trợ nguồn cát, tuy nhiên tỉnh phải làm việc với các đơn vị khai thác mỏ cát trên địa bàn, sau đó ưu tiên cung cấp cát cho dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cơ chế đặc thù cho dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (dự án đường cao tốc).

Dự án này có 11 dự án thành phần, trong đó có 7 dự án đã khởi công và 4 dự án sắp khởi công. Theo báo cáo của một số địa phương thuộc phạm vi dự án đường cao tốc và Bộ GTVT, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khai thác tại các mỏ còn thời hạn chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu của dự án. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu không đủ vật liệu cung cấp cho các dự án thành phần sẽ dẫn tới nguy cơ dự án không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu. Do đó cần phải có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi cấp phép mới cũng như khi tăng công suất cho các mỏ đã cấp phép, tăng cường trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Chính phủ thống nhất quyết nghị, UBND tỉnh, thành nơi dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số cơ chế đặc thù, như được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án, là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Cơ chế đặc thù này sẽ dừng sau khi đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho dự án đường cao tốc. Chính phủ cũng giao Bộ TNMT trước ngày 31-7 chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho dự án đường cao tốc của các địa phương có dự án đi qua; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật có liên quan của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục