Tản văn

Về chiến khu xưa

Về chiến khu xưa

Huyện tổ chức chuyến về nguồn cho anh chị tham gia kháng chiến tại địa phương. Mọi người sẽ ở đây hai đêm một ngày, ngủ võng, nấu cơm bằng củi lửa của rừng, canh rau rừng, cá sông cá suối... để được gặp mặt, thăm hỏi, sống lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ hào hùng.

Đoàn viên về nguồn tại Quận đoàn Cái Răng. Ảnh: CTV

Đoàn viên về nguồn tại Quận đoàn Cái Răng. Ảnh: CTV

Nghe thế, ký ức liền khuấy động, ai cũng háo hức trong lòng. Niềm vui không giới hạn, càng chia sẻ càng nhân lên! Nên họ gọi điện thông báo, rủ rê. Đám bạn các tỉnh cũng hẹn hò chèo kéo: “Thế nào cũng phải về nha. Bọn tao về đó!”. Mấy ngày ấy, điện thoại tôi reo liên hồi, sốt cả ruột!

Có vị còn khoe: “Huyện ủy cho 5 triệu đồng và xăng xe đưa đón vô rừng xã B chiến khu xưa để họp mặt. Ủy ban nhân dân, Đoàn Thanh niên xã B tình nguyện bắt cá sông, hái rau rừng ủng hộ”. “Mày nhớ thằng Nguyên hồi ở đơn vị E không? Cái thằng nhỏ nhỏ đen thui đó? Nay tuy không khá giả, nhưng nuôi được mấy chục con heo, nó ủng hộ họp mặt một con to”.

Sao họ thích về nguồn dữ vậy? Thực ra chỗ về nguồn đâu phải nơi chôn nhau cắt rốn? Giữa rừng chẳng có tiện nghi, đêm đến lạnh thấu xương. Chính chỗ đang ở mới là quê hương! Có người khi đất nước thống nhất, hoàn cảnh đẩy đưa định cư tại thành phố lớn, cuộc sống tiện nghi, từng tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn trong nước và cả thế giới. Họ có khối người bạn mới đáng yêu, đồng điệu, thú vị... Thế mà về nguồn, gặp đám bạn cùng thời kháng chiến lại là chuyện vô cùng hấp dẫn, không cưỡng lại được.

Rồi ngày ấy cũng đến. Tôi như đứa trẻ, nôn nao, có mặt từ sớm. Khi đến nơi thì ký ức bừng lên. Khoảnh khắc này là sự hòa nhập giữa quá khứ, hiện tại. Cô bạn tóc muối tiêu uốn ngắn, vòng hai hơn vòng một, đi đứng chậm chạp kia vẫn thấp thoáng hình ảnh cô pháo binh tóc dài qua lưng tết bím, thon thả, tháo vát...

Kẻ tới trước, người tới sau ôm nhau mừng rỡ, mày mày tao tao như thời trai trẻ dù ai nấy tóc đã hoa râm, con đàn cháu đống. Khi trò chuyện giữa rừng bao la, nơi đầy ấp kỷ niệm thời tuổi trẻ hào hùng, người ta cởi mở, chân thành, thân thiện hơn. Niềm vui cứ thế vỡ òa.

Chào hỏi đã rồi quay ra làm chỗ mắc võng, nấu ăn. Tối đốt lửa trại, hát những bài ca truyền thống. Lúc này ai cũng trở thành ca sĩ mặc dù với chất giọng “cọp nhai đậu phộng”, ai cũng trở thành nhạc sĩ nhờ nắp xoong, cặp thìa. Vũ công thì loạn xạ với những điệu nhảy chẳng giống ai, nhưng khán giả vỗ tay cười rần rần.

Đêm nay giấc ngủ đến rất khó, bởi cái võng thân thương nhưng không còn quen này. Trước kia, sau một ngày làm việc hay trận công đồn, tối đến chui vào võng phủ bọc là thấy cả một khoảng trời riêng. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, người yêu xâm chiếm cõi lòng nhưng chốc lát là trôi tuột vào giấc ngủ. Còn bây giờ ngủ không được thì dậy đốt lửa, tán chuyện, quên  mọi nỗi lo.

Ở nhà có bữa lười đi ăn sáng, làm nửa gói mì, thêm quả trứng, thế mà ăn chểnh mảng. Ở đây, chỉ gói mì rẻ tiền chế nước sôi, xúm nhau húp sùm sụp, khen ngon. Thế mới biết niềm vui rất quan trọng! Có câu “tiếng hát át tiếng bom”, một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ là vậy. Mỗi chuyến về nguồn là dịp gặp mặt, thăm hỏi, ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Tuyết Sương

Tin cùng chuyên mục