Về chuyện năm mới, chợ mới

Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì đúng 10 năm nữa (năm 2020) Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 trung tâm thương mại, 178 đại siêu thị và siêu thị.

Mô hình siêu thị sẽ phát triển mạnh mẽ tại nhiều khu đô thị mới thuộc các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm, Hoài Đức và Đan Phượng.

Để phục vụ bà con nông dân sẽ hình thành 2 chợ đầu mối bán buôn nông sản - thực phẩm tổng hợp cấp vùng thuộc 2 huyện Gia Lâm và Thường Tín, một số chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh ở quận Hoàng Mai và các huyện Từ Liêm, Ứng Hòa, Ba Vì, Mê Linh.

Dự án quy hoạch nêu trên cũng đề xuất xây dựng 2 trung tâm mua sắm cấp quốc gia tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất với quy mô khoảng 500.000m²; xây dựng 5 trung tâm bán buôn tổng hợp tại các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất và Thường Tín với quy mô từ 150 - 200ha. Nhân nói về các khu chợ mới, tôi muốn nói đến vì sao lại có các dự án cải tạo các khu chợ cũ.

Thời Pháp thuộc, theo sử liệu, các chợ nhỏ được gom vào thành chợ lớn. Chợ Đồng Xuân xây dựng năm 1896 “chứa” trong mình hai chợ Bạch Mã, Cầu Đông; còn chợ Cửa Nam là do các chợ Cửa Nam, Đình Ngang, Ong Nước hợp lại mà thành. Cũng trong thời kỳ này bắt đầu xuất hiện loại “chợ cóc”. Loại chợ này tiện cho người mua, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho khá đông dân nghèo thành thị và người nhập cư, nhưng không văn minh, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, mỹ quan đô thị.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều nhà sử học, nhà văn hóa chia sẻ với chính quyền thành phố về công cuộc hết sức gian nan nhằm định hình diện mạo chợ Hà Nội. Tuy nhiên, trong khi thống nhất cao với việc sắp xếp; tiến tới dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm thì không ít bậc “trưởng lão” còn rất phân vân về xu hướng “cao tầng hóa, đa năng hóa, siêu thị hóa” các chợ.

Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc thì đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc “cao tầng hóa” các chợ như Cửa Nam hay Hàng Da. Ông phân tích, các chợ này nằm ở những đường phố hẹp, vốn đã quá đông đúc. Nay trở thành văn phòng, siêu thị… xe cộ ra vào rầm rập suốt ngày, không thể không ảnh hưởng đến lưu thông ở các nút hiện đã là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông.

Nếu tất cả các chợ nội thành cùng trở thành trung tâm mua sắm hay siêu thị thì kể cũng đáng tiếc. Lẽ nào các thế hệ sau (và cả khách du lịch) đều phải lên xe ra khỏi phố vài chục cây số mới có thể được thấy, được trải nghiệm không khí thực sự của chợ xưa? Ở các thủ đô văn minh nhất trên thế giới, chính quyền thành phố vẫn giữ lại những khu chợ truyền thống với cách thức mua – bán hồn nhiên, đậm đà nét văn hóa bản địa. Chợ ấy có còn không và nó sẽ ở đâu trong lòng Hà Nội phố?

Cải tạo hình thức chợ đã là chuyện khó, nhưng làm thế nào để mỗi người khách đi chợ có cảm giác thoải mái, hài lòng, cảm nhận được nét đẹp trong văn hóa mua bán của người Kẻ Chợ còn khó hơn rất nhiều. Không phải đã không có nhiều lời phàn nàn về sự chao chát, tệ nói thách, chèn ép khách mua, hàng gian, hàng giả. Sống ở miền Nam ra đi chợ Hôm, tôi nghe chị bạn “bản xứ” dặn: “Em đừng nói gì, cứ để chị mặc cả cho, kẻo lớ ngớ lại bị chửi”, tự dưng thấy lòng dâng lên một nỗi buồn khó tả…

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục