
Qua nhiều năm băng đồng lội suối để tìm tòi những giống cây mới, học hỏi những tiến bộ trong nông nghiệp trong những lần tổ chức hội chợ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, từ đó, ông đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, mang nhiều loại cây có giá trị kinh tế về trồng ở độ cao 200m, cây phát triển tốt, lợi tức thu hoạch cao. Ông là Nguyễn Văn Châu, 66 tuổi, tại ấp 1, xã Hòn Tre (Kiên Hải, Kiên Giang).
Bà con ở huyện đảo Kiên Hải thật ngỡ ngàng khi gia đình ông Châu đem ra chợ bán những buồng chuối quạ, trái nào cũng dài từ 30 – 40cm. Cứ mỗi trái 5.000đ, có bao nhiêu bán cũng hết. Một thời gian ngắn, ông lại đem ra chợ bán sản phẩm mới, đó là ổi không hạt, trái nào cũng no tròn mơn mởn, mỗi ký chỉ bán 10.000đ. Tiếp là măng tre điền trúc, cóc Thái Lan, mít ruột đỏ, mận An Hữu…

Ông Châu bên những buồng chuối
Mỗi khi nghe ở đâu có hội chợ là ông Châu lại khăn gói lên đường tìm đến, mỗi lần trở về là ông lại đem những giống mới về cho quê nhà. Từ đó, những giống lạ như chuối quạ, ổi không hạt, mít ruột đỏ… về “bén duyên” với vùng đất biển đảo Hòn Tre thành công.
Ở tuổi gần “cổ lai hy” nhưng dáng ông vẫn khỏe mạnh, nhanh lẹ, nụ cười hào sảng điển hình lão nông Nam bộ. Ông vui vẻ cho biết: “Đất rẫy có trên 30 công, trước đây chủ yếu là vườn tạp trồng xoài, tiêu, thanh long… Khi thu hoạch, thường bị con buôn ép giá. Nên tôi không ngần ngại đường sá sông nước, lặn lội đi tìm tòi giống cây mới có giá trị kinh tế cao để chuyển đổi cây trồng”.
Hiện nay, tại đất vườn nhà ông có trên 200 gốc ổi không hạt cho trái trồng xen với vú sữa, hơn 50 bụi chuối thay nhau ra buồng, xoài ra trái nghịch mùa, mít ruột đỏ… Tất cả thường xuyên có mặt trong các buổi chợ.
Câu chuyện trở nên thân mật, ông nói: “Tôi cải tạo vườn tạp nhưng vườn rau xanh chuyên canh gần 2 công chỉ trồng độc nhất một giống rau quế. Lá quế là món gia vị cần thiết, thịt bò, tô canh, tô cháo… đều cần nó. Thu hoạch bán mỗi ký 8.000đ. Mỗi năm thu hoạch cũng được 10 triệu đồng”.
Mỗi lần ông mua được một giống cây mới, đem về dưỡng thật tốt mới đem ra trồng, lắm lúc mất ăn mất ngủ vì sợ giống cây không thích hợp thổ nhưỡng. Ông chỉ cây ổi mới trồng, nói: “Tôi vừa mua được cây ổi lá tím, cho trái tím, một cây giá 150.000đ, mua về trồng thử nghiệm”.
Mỗi ngày, từ nhà lên đến rẫy ở độ cao trên 200m, chúng tôi nói với tuổi này ông có thể nghỉ ngơi để con cháu làm. Ông cười, nói: “Hơn 40 năm sống với nghề này, tôi vẫn đam mê, cố tìm được giống cây mới, có giá trị kinh tế là sướng lắm, vừa để cho con cháu nhân rộng giống ra cho bà con vùng biển đảo trồng để tạo cuộc sống khá hơn”.
Hiện nay, vườn rẫy của ông hằng năm thu hoạch trên 100 triệu đồng. Ông vui vẻ thố lộ: Có lẽ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ nên trái cây trồng tại Hòn Tre đều no tròn, ngọt lịm, ngon thơm và mặc nhiên trở thành thương hiệu.
Ông Châu Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiên Hải cho biết: Ông Nguyễn Văn Châu mặc dù tuổi đã cao nhưng ông luôn tìm tòi, nghiên cứu. Ông là người duy nhất đem nhiều giống cây mới về đảo với ước mong nhân rộng, đem hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân của đảo.
Với thành quả đạt được ông đã nhạân 3 bằng khen của tỉnh, 7 bằng khen của huyện là nông dân sản xuất giỏi, có nhiều sáng kiến đem giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Thụy Mẫn