Vẽ lại bản đồ thương mại

Tạm gác căng thẳng về chủ quyền và lợi ích riêng, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến hành những phiên đàm phán đầu tiên về Hiệp định tự do thương mại (FTA). Mục đích nhằm hướng đến lợi ích kinh tế chung, thâu tóm 20% GDP toàn cầu. Tờ Australian đã có bài phân tích của tác giả Yoon Young-kwan, giáo sư khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học quốc gia Seoul, về kỳ vọng vẽ nên bản đồ thương mại mới không chỉ riêng ở khu vực Đông Á mà còn gây ảnh hưởng đến những thị trường cạnh tranh trên thế giới nếu ba nước hợp lực.

Nỗ lực hiện thực hóa sáng kiến thành lập FTA của ba nước do Bắc Kinh đề xuất từ năm 2002 nhưng do chưa đạt đồng thuận cao nên ba quốc gia Đông Bắc Á phải nỗ lực tăng tốc để cùng Liên minh châu Âu (EU) và khối Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trở thành ba khối kinh tế lớn nhất thế giới. Khủng hoảng nợ và tăng trưởng ảm đạm đang phủ bóng đen lên nhu cầu hàng nhập khẩu tại EU và Mỹ.

Bên cạnh đó, điều kiện nội tại của Nhật - Trung - Hàn khi “sở hữu” nền kinh tế lớn thứ 3, thứ 2 của thế giới và thứ 4 châu Á với tổng dân số 1,5 tỷ người càng cho thấy đây là thời điểm chín muồi để FTA của ba nước ra đời, ảnh hưởng đến nền kinh tế - chính trị thế giới. Hơn nữa, nó còn có thể tạo chuỗi phản ứng lan tỏa tích cực, nhất là hướng về phương Nam, có khối ASEAN vốn đã có FTA với Nhật - Trung - Hàn và đầy tiềm năng xâm nhập thị trường quốc tế.

Thật vậy, hiện hợp tác ASEAN+3 giữa ASEAN và Nhật - Trung - Hàn đang có điều kiện để chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới, sâu sát hơn, trong đó có việc lập ra một FTA chung cho ASEAN+3, được gọi là Khu vực tự do thương mại Đông Á (EAFTA), hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp tăng GDP của các nước Đông Á thêm ít nhất 1,2%. Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, EAFTA sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD cho 2 tỷ người. Vươn xa hơn nữa sáng kiến hợp tác Đông Á mở rộng, được biết đến là ASEAN+6, thêm ba nước Ấn Độ, Australia và New Zealand (cũng đã có FTA với ASEAN), sẽ mang đến diện mạo mới với khối kinh tế năng động, chiếm 30% GDP toàn cầu và dân số chiếm 50%. Có thể nói quan hệ kiềng ba chân Nhật - Trung - Hàn càng vững vàng thì những hợp tác mở rộng về sau mới càng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, mỗi nước đang có những tính toán riêng. Mỹ đang thúc đẩy việc đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thống nhất cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bảo đảm quyền lợi cung ứng cho các nền kinh tế châu Á với sự ủng hộ tích cực từ Nhật Bản. Để cảnh giác trước thực tế Nhật Bản và Mỹ nắm vai trò chủ đạo trong việc thiết lập các quy tắc kinh tế ở châu Á, Trung Quốc phải thúc đẩy FTA Nhật - Trung - Hàn, nhằm lôi kéo Nhật Bản và kiềm chế Mỹ. Hàn Quốc cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội là cầu nối để Mỹ xâm nhập châu Á - Thái Bình Dương. Hàn Quốc đã hoàn thành đàm phán FTA với Mỹ và đang trong giai đoạn xúc tiến FTA với Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại giữa ba nước đã tăng hơn 5 lần trong 10 năm qua và hiện đã vượt quá 690 tỷ USD. Vì lợi ích kinh tế và xu hướng hợp tác các bên cùng có lợi, FTA Nhật - Trung - Hàn dù có nhiều trở ngại nhưng cũng phải về đến đích. Với vị thế đều là đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực châu Á, việc hợp tác trở thành cách để kiềm chế lẫn nhau.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục