Về lại Trường Sơn

Về lại Trường Sơn

Vui sao nước mắt lại trào! Đó là cảm giác chung của những gia đình may mắn được Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp sức trong việc khởi công xây dựng hay khánh thành nhà tình nghĩa vào cuối tuần qua tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.

  • Nước mắt hạnh phúc

Đã là lần thứ 71 Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức khởi công xây nhà tình nghĩa tại Quảng Trị - vùng đất vốn chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, mảnh đất thiêng, bàn thờ Tổ quốc. Thế mà mọi người trong đoàn vẫn thấy sống mũi cay nồng khi nghe anh Trần Phong, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - người được hỗ trợ xây ngôi nhà mới từ nguồn tài trợ của Trung tâm Di động khu vực II - tâm sự: “Hơn 20 năm nay, gia đình tôi sống trong căn nhà dột nát, tạm bợ rộng chưa đầy 20m². Mỗi lần nhìn con thơ nằm rạp góc nhà hay dựa gốc cây học bài, phận làm cha như tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, cố nai lưng ra làm với hy vọng có tiền chữa bệnh cho mẹ các cháu và nuôi con lớn khôn... Hôm nay, nhận được 45 triệu đồng hỗ trợ, cộng với số tiền tích góp của gia đình, tiền hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi mới có cơ hội dỡ nhà cũ, làm ngôi nhà mới 3 gian, rộng 60m²...”.

Các cựu chiến binh và đồng bào các dân tộc thiểu số khám bệnh và nhận thuốc miễn phí tại Trạm xá quân dân y xã Nhâm.

Các cựu chiến binh và đồng bào các dân tộc thiểu số khám bệnh và nhận thuốc miễn phí tại Trạm xá quân dân y xã Nhâm.

Tờ mờ sáng, Trần Thị Kiệm, con thứ 2 của anh Trần Phong đang là sinh viên năm nhất, khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Huế, vội về nhà tối qua đã í ới đàn em thức dậy, dọn vén vườn tược, đường sá chuẩn bị khởi công xây dựng ngôi nhà mới… Cô bé có nụ cười rất tươi, khuôn mặt trái xoan toát lên vẻ tự tin, mạnh mẽ. “Có nhà mới, cha mẹ cháu yên tâm mưu sinh, cháu cũng yên tâm học hành, khỏi lo những khi trời mưa gió bố mẹ và đàn em thơ lạnh căm vì nhà dột… Ước mong các cô các chú luôn sát cánh cùng những gia đình kém may mắn như gia đình cháu…”, Kiệm tâm sự.

Mọi người trong đoàn ai cũng ngầm hiểu ý Kiệm là mong chương trình tiếp tục đồng hành, chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP đã từng chiến đấu, hy sinh tại Trường Sơn trong những năm chống Mỹ và đồng bào các dân tộc sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn hiện gặp khó khăn. Chợt nghĩ đến chương trình sắp kết thúc vào tháng 7 năm nay mà lòng nặng trĩu.

  • Quá khứ, hiện tại nối mạch tương lai

Ngày 6-4 vừa qua là ngày đáng ghi nhớ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những căn nhà lợp lá xiêu vẹo, dột nát được thay thế bằng 20 căn nhà vững chắc, ấm cúng. Ấn tượng nhất là bên dưới các mái nhà mới, cờ Tổ quốc bay phất phới. Trong nhà, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ Bác Hồ. Đón Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đến thăm, ông Hồ Viết Mừng (xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), lính Trường Sơn năm xưa, nay đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nói trong xúc động: “Đời mình theo cách mạng, nay được nhà mới, mơ ước cả đời, không có gì hơn, chỉ biết nói cảm ơn tận đáy lòng”.

Giọng ông Mừng chùng xuống khi nghe chúng tôi hỏi về cuộc sống gia đình. “Với mấy sào lúa trồng trên đất khô cằn, phải nuôi vợ đau ốm triền miên cùng đàn con ăn học nên kinh tế gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Căn nhà nhỏ đã quá mục nát vì không có tiền sửa chữa nên lạnh cóng mùa đông, khô nóng mùa nắng… Nay được Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP trao tặng ngôi nhà tình nghĩa đàng hoàng như thế này, tôi vẫn cứ ngỡ mình nằm mơ” - ông Hồ Viết Mừng nói trong nghẹn ngào.

Đoàn công tác của Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP lại trở về trung tâm xã Nhâm sau khi hoàn thành công việc khánh thành và bàn giao 20 căn nhà tình nghĩa. Dọc hai bên đường rộn ràng cờ hoa. Hàng trăm đồng bào đứng trước sân trạm xá chờ dự lễ khánh thành và khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí từ các y bác sĩ biên phòng Thừa Thiên - Huế. Trạm xá quân dân y xã Nhâm do Hội Golf TPHCM tài trợ với kinh phí 1 tỷ đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP. Công trình có tổng diện tích 600m², trong đó diện tích xây dựng 163m² với các hạng mục: phòng khám, phòng họp giao ban, 3 phòng bệnh và các hạng mục phụ trợ khác. Trạm xá khánh thành và đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con địa phương cùng hàng ngàn đồng bào các xã lân cận như Hồng Bắc, Hồng Thượng, Hồng Thái của huyện A Lưới và người dân nước bạn Lào cụm bản I Reo sinh sống dọc đường biên giới Việt - Lào.

"Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn không chỉ là hoạt động đền ơn đáp nghĩa mà là hoạt động văn hóa gắn kết cộng đồng, nối mạch quá khứ tới hiện tại và tương lai. Sản phẩm văn hóa của chương trình không chỉ dừng lại ở nhà tình nghĩa, bệnh xá, trường học, đền đài... mà còn có những suất học bổng cho trẻ em gia đình cựu chiến binh Trường Sơn, gia đình thanh niên xung phong, gia đình có công với cách mạng, với đất nước. Những địa danh Trường Sơn cần phải có một vị trí địa lý chính xác trong lãnh thổ nước ta, những tư liệu lịch sử, văn hóa, những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong rằng, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP biên soạn tổ chức in ấn một cuốn sách “Dư địa chí Trường Sơn”. Sản phẩm văn hóa này chắc chắn sẽ là một động lực, sự truyền dẫn đưa Trường Sơn đến với những thế hệ mai sau"

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên – Huế Võ Văn Chinh

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục