Có nhiều nàng dâu Miệt Thứ bây giờ đã là bà nội, bà ngoại, gần cả đời buồn vui, nhọc nhằn gắn bó với Miệt Thứ. Họ xem Miệt Thứ như quê hương, như máu thịt của mình, không thể lìa xa. Rồi con, rồi cháu của họ như cây tràm cứ tiếp tục mọc lên. Rừng tràm Miệt Thứ ngày một xanh tươi, trù phú…
Em về Miệt Thứ...
Kể chuyện với chúng tôi về thân phận của những nàng dâu Miệt Thứ, bà Lê Thị Tuyết và bà Lê Thị Hạnh Phúc cùng ở xã Vân Khánh huyện An Minh thuộc Thứ 11, giựt mình mới đó mà mình đã làm dâu ở xứ này hơn 40 năm rồi. Một người chồng chết sớm, một người nhẫn tâm theo người đàn bà khác, bỏ lại đàn con nhỏ dại, một mình “thân cò” gồng gánh nuôi con. Được cái, nay con cái của 2 bà đã thành tài, có người lãnh đạo ban ngành tại địa phương.
Còn chị Hai Diễm ở ấp Kim Quy xã Vân Khánh huyện An Minh, thuộc Miệt Thứ 11, từ giã làng quê Năm Căn, Cà Mau về làm dâu xứ này đã ngót 17 năm cũng không thoát khỏi cảnh nghiệt ngã của người làm dâu Miệt Thứ, sống đời góa bụa.
Chị Hai Diễm tâm sự: “Thuở đó, nhiều người khuyên lơn tui không nên về làm dâu Miệt Thứ, xứ có “huông” là về đây trước sau gì cũng cam phận góa bụa, cơ hàn. Tui chỉ cười, mặc cho ai đó khuyên ngăn, tin vào tình yêu của mình với người đã chọn làm chồng. Hơn nữa, xưa kia Miệt Thứ còn hoang sơ nên đời sống mới khổ cực, còn bây giờ Miệt Thứ đã phát triển, đường trải nhựa rộng lớn, muốn đi Rạch Giá hoặc về Cà Mau chỉ vài giờ là tới nơi, đâu còn cảnh chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”. Vậy mà chị không ngờ, số phận của những nàng dâu Miệt Thứ vẫn oan nghiệt dai dẳng cho mãi đến bây giờ. Chỉ 5 năm hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương vợ con. Sau đó anh ra Rạch Giá tìm việc làm, cũng là ngày anh bỏ mặc mẹ con chị ở Miệt Thứ, để chung sống với người phụ nữ khác ở thành phố Rạch Giá.
Đôi mắt chị Hai Diễm chợt đỏ hoe, chị cố gượng cười khoe lúm đồng tiền duyên dáng: “Em đã khóc hết nước mắt rồi, nên bây giờ không thể khóc được nữa, người ta không thương mình bỏ đi thì thôi, phận bạc đành chịu, lo làm lụng nuôi con ăn học thành tài, đó là niềm vui còn lại của phận đời góa bụa, là niềm tự hào của những nàng dâu Miệt Thứ”. Chị nói không khóc nhưng nước mắt lăn dài trên má. Những giọt nước mắt chất chứa từ nỗi đau sâu thẳm tận đáy lòng, chỉ cần khơi dậy dù nhẹ nhàng, là có dịp tuôn tràn.
Đôi khi suy nghĩ, tôi không thể hiểu nổi, họ đâu phải phụ nữ xấu xí, vô duyên, trái lại họ đẹp từ vóc dáng đến tâm hồn. Như chị Diễm, phải nói đẹp như người mẫu, vậy mà phải chịu cảnh đơn lẻ phòng không vò võ nuôi con một mình bằng nghề thợ may. Dịu cơn xúc động, chị Diễm đưa tay áo gạt nước mắt, nhìn ra ngoài sân, nắng đã lên cao, chị hối đứa con gái đi nấu cơm, chị nói với tôi chờ chị đi kêu mấy “chiến hữu” mang đặc sản Miệt Thứ đến làm mồi mời khách quý nhậu chơi, vì mấy thuở về thăm xứ này.
Cái tình của người Miệt Thứ chân chất và thiệt tình như vậy đó. Không màu mè, có sao nói vậy, có điều đến đâu cũng nghe chuyện các bà ăn nhậu, mà toàn vô trăm phần trăm ba xị đế. Khởi đầu mới nghe qua, tôi cũng có phần hơi… dội. Nhưng khi cụng ly với các bà rồi thì từ… dội đến kính nể vô cùng. Phải nói nhà người nào cũng tươm tất, gọn gàng ngăn nắp, bài trí đẹp mắt, trong nhà không thiếu thứ gì, nào ti vi, tủ lạnh, ghế salon kể cả máy phát điện có đủ. Nhiều nhà còn trồng bông hoa đủ loại nở rộ trước sân.
Đặc biệt, con cái các chị rất lễ phép, dễ thương, học giỏi, nhiều cháu đang học đại học ở Sài Gòn, Cần Thơ... Chứng tỏ sự dạy dỗ của các chị thật chu đáo.
Bỏ sầu cho ai?
Đêm Miệt Thứ buồn da diết, bốn bề yên lặng như tờ, gió lùa rừng cây xào xạc, mặt sông gờn gợn làm vầng trăng in đáy nước lung linh. Tôi quảy ba lô đi dọc theo bờ kênh Xẻo Rô hướng về bến xe Thứ 11, trung tâm huyện An Minh. Sương mai thấm ướt vai áo. Lòng bùi ngùi khi nghĩ rằng mình sắp rời xa Miệt Thứ, nơi tôi tuy mới đến nhưng cớ sao thấy mến thương quá đỗi. Người Miệt Thứ hiền hòa mến khách, tấm lòng nhân hậu, chịu thương chịu khó dãi dầu sớm trưa, nắng sạm màu da mà vẫn đẹp dịu dàng như rừng tràm đang mùa trổ hoa thơm ngát.
Bến xe đã đông khách chờ đi TPHCM, dưới bến sông ghe thuyền chở hàng nông sản về chợ bán, đậu ken dày. Chợ Thứ 11, trung tâm huyện An Minh, là chợ sung túc nhất trong các chợ Miệt Thứ. Tôi vào một quán cà phê chờ đến giờ xe chạy, ngồi chung bàn với tôi là một người đàn ông tuổi ngoài 40, nét mặt trầm ngâm buồn dịu vợi, lặng lẽ với điếu thuốc cháy đỏ trên tay. Chợt anh lên tiếng hỏi tôi: “Ông anh có mua vé về thành phố chưa?”. Không đợi tôi trả lời, anh nói luôn: “Nếu chưa, tôi nhường lại vé của tôi mới mua vì tôi có việc phải ở lại, chiều về”.
Tôi chưa kịp trả lời thì ngoài đường một người phụ nữ chân bước khập khiễng đi vào quán, rồi chị nhìn người đàn ông ngồi chung bàn với tôi lên tiếng: “Mày đi đâu gấp gáp vậy Hưng, chị qua nhà con Hiền lúc trời chưa sáng tỏ hỏi thăm em, nó nói em đi lúc nào cũng không biết. Chị rầy nó là dẫu sao cũng nghĩ chút tình chăn gối, ban đêm ban hôm bỏ chồng (cũ) ngủ ngoài hiên nhà, lỡ trúng gió thì sao?”. Nó nín thinh một hồi trả lời trong nước mắt: “Em rất cảm động là anh Hưng lặn lội từ xa xôi về thăm mẹ con em, bấy nhiêu đó cũng ấm lòng bấy lâu mong chờ. Nhưng để ảnh vào nhà ngủ, sợ… tình cũ không rủ cũng tới. Thôi, thà đau một lần mà dứt khoát không dai dẳng về sau. Mấy năm rồi em âm thầm nuôi con, còn ảnh cũng về với vợ trên Sài Gòn. Em biết ảnh còn thương mẹ con em nhưng hoàn cảnh… không biết ai bỏ sầu cho ai”. Nghe bà chị hàng xóm của Hiền kể xong câu chuyện, Hưng suy nghĩ lên tiếng: “Hiền đã nói vậy rồi, thôi để em về chị ơi!”.
Chuyến xe sớm từ từ lăn bánh về TPHCM, gió hầy hậy còn đẫm hơi sương mát lạnh thổi vào mặt, khiến khách phương xa thấy lưu luyến cái nắng, cái gió nơi Miệt Thứ này. Chợt Hưng vội mở cửa kiếng xe vẫy chào người phụ nữ đang ẵm con đứng bên lề đường. Tiếng Hưng tắc nghẹn, đau khổ: “Hiền…”. Người phụ nữ ôm con khẽ vẫy tay chào, rồi vội ngoảnh mặt nơi khác, chắc chị đang giấu nước mắt đã tuôn tràn, không muốn bận lòng người đang rời xa Miệt Thứ theo vòng quay lăn bánh của chiếc xe.
Hưng thẫn thờ rồi kể cho tôi nghe chuyện mười mấy năm trước anh là một trong những người công nhân xáng cạp về đây nạo vét con kênh Xáng chạy dọc theo quốc lộ 63. Lúc đó bà con xứ này còn khổ cực lắm, nhưng tấm lòng rất tốt, thấy công nhân làm đường, nạo vét kênh ban ngày làm lụng vất vả, ban đêm ngủ ngoài chòi, muỗi cắn quá chừng nên nhiều nhà đã cho các anh vào ngủ nhờ, nấu cơm cho các anh ăn. Rồi ngày qua tháng lại, họ phải lòng nhau và chung sống như vợ chồng, rồi có con thành một gia đình hạnh phúc. Nhưng khi công trình hoàn thành, các công nhân rút đi và trở về với vợ con nơi thành thị, bỏ lại các cô gái ôm con với nỗi sầu chờ mong người ra đi không biết bao giờ trở lại.
Xe qua phà Tắc Cậu, nhìn dòng sông mênh mông đưa những dề lục bình trôi tản mạn, tôi vỗ vai Hưng đang đứng thẫn thờ trên phà, nói lời an ủi: Mọi việc đã an bài, chúng ta hãy nhìn về đó, về những phụ nữ Miệt Thứ son sắt thủy chung nuôi dạy con cái nên người bằng cả tấm lòng yêu thương và cảm phục.
Nguyễn Tường Lộc
| |
| |