Về một nhà báo chiến trường

Về một nhà báo chiến trường

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tôi muốn viết về một đồng nghiệp cùng quê hương Phú Yên với tôi. Ngày chưa giải phóng miền Nam, tôi làm ở Báo Quân đội Nhân dân, còn anh ở Thông tấn xã Giải phóng đối ngoại (CP72). Chúng tôi ở chung một chung cư là nhà Q3 Trương Định (Hà Nội). Đó là nhà báo Trình Quang Phú. Anh có bút danh Hồng Phú, Hồng Thanh, Th.Anh. Anh thường xuất hiện trên các báo kèm với mấy chữ “bài từ miền Nam gởi ra”. Thì ra anh vẫn đi chiến trường: Khe Sanh, Đường 9, Quảng Trị, Thừa Thiên.

Anh viết khỏe và chụp ảnh cũng nhiều. Những bài báo của anh bắt đầu đăng từ 1959-1960 trên báo Nhân Dân và Tiền Phong. Năm 1961 anh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo trẻ hồi ấy nay đã 70 tuổi đời và 50 tuổi nghề. Anh đã trải nghiệm qua các cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến tranh giải phóng miền Nam, với nhiều ảnh và phóng sự trên Báo ảnh VN, Thống Nhất, Cứu Quốc,  Quân đội Nhân dân, Nhân Dân và các báo khác.

Truy kích địch trên đường 9. Ảnh: HỒNG PHÚ

Truy kích địch trên đường 9. Ảnh: HỒNG PHÚ

Năm 1968, từ Khe Sanh anh được cử tham gia đoàn đại biểu đầu tiên của Thanh niên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ IX, ở Sofia (Bungari). Trong đoàn đó tỉnh Phú Yên chúng tôi có đến 3 đại biểu: Nhà thơ Liên Nam, Dũng sĩ diệt Mỹ - Đặng Phi Thưởng (sau này là Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên) và nhà báo Hồng Phú.

Tại đại hội, bức ảnh “Tổ xung kích cắm cờ quyết thắng ở mặt trận Khe Sanh” của anh được tặng huy chương vàng và anh được đại hội công kênh. Đại tá Đặng Phi Thưởng kể: “Trong Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IX, đoàn miền Nam Việt Nam chúng tôi được đại biểu của 143 nước tham dự đại hội nhiệt liệt hoan nghênh, thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ đồng bào và chiến sĩ miền Nam Việt Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ. Riêng nhà báo Hồng Phú (tức Trình Quang Phú) được tặng thưởng huy chương vàng tác phẩm ảnh “Tổ xung kích cắm cờ quyết thắng ở mặt trận Khe Sanh” được bạn bè quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt. Chúng tôi coi đó là một vinh dự cho cả đoàn miền Nam Việt Nam”.

Năm mươi năm, dù phải đảm trách nhiều công việc khác nhau, anh vẫn viết đều. “Sa Vĩ Cà Mau” là tác phẩm in tuyển những bài báo của anh trong suốt nửa thế kỷ. Hai tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” và “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” viết về Bác Hồ của anh đã được tái bản lần thứ 9 là sự đánh giá công bằng của độc giả với tác phẩm của anh.

Trình Quang Phú là Tiến sĩ khoa học kinh tế, hiện là Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đối ngoại và kiều bào của Mặt trận Trung ương, Ủy viên Thường vụ Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và là người phụ trách phía Nam của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Anh vẫn xông xáo, hoạt động và viết.

Trong các hoạt động của anh không thể không kể đến các chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo, mổ mắt cho người đục thủy tinh thể, xây nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh nghèo, huy động để trao thưởng cho sinh viên Phú Yên nghèo vượt khó học giỏi và các hoạt động xã hội, nhân đạo khác đầy nghĩa tình của anh ở quê hương Phú Yên và ở các tỉnh miền Nam.

Tô Phương

Tin cùng chuyên mục