Chúng tôi xuôi theo con đường ven sông Thạch Hãn cách quốc lộ 1A thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị khoảng 3km. Nhà anh Ba Lê Duẩn nằm yên bình quay mặt ra phía sông Thạch Hãn thơ mộng ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành. Anh Ba là tên gọi thân thương mà đồng bào và đồng chí cả nước dành cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn...
Quê hương đổi mới
Những ngày này, xã Triệu Thành nhộn nhịp, đường làng ngõ xóm được phát quang sạch đẹp, chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 104 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2011).
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành không giấu được niềm vui: Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của từng người dân trong xã, một màu xanh mới tràn trề nhựa sống đã phủ lên trên “mảnh đất chết” xóa đi di chứng chiến tranh. Hàng chục tỷ đồng đã được địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống cầu đường, nâng cấp nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, xây mới trường học, trạm y tế...
Hiện cả xã có đến 70% hộ dân đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, phần lớn là tiểu thương buôn bán tại chợ Quảng Trị, số còn lại sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo từ 21% năm 2005 nay giảm còn hơn 10%. Đặc biệt, chất lượng giáo dục được quan tâm đúng mức và đạt được thành quả đáng khích lệ khi 100% con em trong độ tuổi cấp I, II đều đến trường, mỗi năm có từ 25-30 con em trong xã thi đậu vào các trường CĐ-ĐH.
Trong ký ức người dân Triệu Thành vẫn vẹn nguyên những lời căn dặn tâm huyết của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mỗi lần về thăm quê: “Cần phải tự lực phấn đấu để vươn lên; làm việc gì cũng phải xác định mình là người đại diện cho Đảng, Nhà nước và nhân dân; bất cứ người nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải. Như vậy, mỗi con người phải có: Lao động, tình thương và lẽ phải”. Từ đó, hết thảy mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Triệu Thành không ngừng ra sức lao động học tập theo lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Anh Đỗ Hữu Cân - người con Triệu Thành vừa tốt nghiệp cử nhân Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế về địa phương phụ trách công tác đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ: “Được sinh ra và lớn lên trên quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là niềm tự hào của tuổi trẻ Triệu Thành. Lòng tự hào thôi thúc chúng tôi ra sức học tập để không phụ lòng mong đợi của bác Duẩn cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc”. Nhờ sự nỗ lực ấy, Triệu Thành đã có những bước tiến về mọi mặt, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế phát triển mới. Cũng giống như mọi năm, dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, thế hệ trẻ Triệu Thành lại tổ chức các buổi tọa đàm, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của cố Tổng Bí thư nhằm ôn lại truyền thống và những lời căn dặn của ông trong các lần về thăm quê nhà lúc sinh thời.
Bình dị
Sau ngày thống nhất non sông, Trịnh Thị Mão - nữ du kích xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong từng mưu sát Nguyễn Văn Thiệu (Tổng thống ngụy, trong lễ khánh thành Ấp chiến lược và chương trình Bình định nông thôn tại Trường Tiểu học thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong vào tháng 9-1970) được bố trí về công tác ở Huyện đoàn Triệu Phong.
Từ năm 1980-2002, bà Mão chuyển biên chế về Phòng Văn hóa thông tin huyện với công việc bảo quản và hướng dẫn cho khách thập phương đến tham quan Nhà lưu niệm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Hàng ngày bà đạp xe gần cả chục kilômét đến nơi làm việc. Khó khăn thì nhiều nhưng chẳng bao giờ bà nề hà hay ngại khó. Bà cảm thấy vui nhiều hơn trong công việc giới thiệu về cuộc cách mạng của nhân dân, về quê hương Quảng Trị anh dũng kiên cường, về vị cố Tổng Bí thư của Đảng cho nhiều người khác biết.
Bà kể, lúc trước ngôi nhà cũ của gia đình bác Duẩn vẫn còn đơn sơ lắm, tường nhà dựng bằng những tấm gỗ bìa do cụ thân sinh bác Duẩn tận dụng từ nghề thợ mộc, có chỗ được trát bằng đất hay tranh tre nứa lá nên mùa mưa lũ thường bị nước cuốn trôi. Vì vậy, sau trận lũ lịch sử năm 1983, ngôi nhà bị hư hỏng khá nặng. Lãnh đạo tỉnh, huyện nhiều lần xin ý kiến bác để sửa sang lại ngôi nhà, thậm chí đã có lần bà được giao nhiệm vụ ra Hà Nội gặp bác Duẩn xin ý kiến về việc này. Nhưng lần nào bác Duẩn cũng nói, dân mình còn nghèo lắm, nhà của bác như vậy là được rồi, sửa sang làm gì cho tốn kém. Để tiền ấy xây trạm xá, trường học cho dân...
“Có lần bác Duẩn về thăm quê, làm hai mâm cơm đạm bạc để mời mọi người. Khi bác cầm đũa lên thì phát hiện mâm bên cạnh nhà bếp quên chưa bỏ đũa, bác liền đứng dậy đi xuống bếp lấy đũa cho mọi người. Các đồng chí đi trong đoàn thấy vậy liền đứng dậy định xuống lấy cho bác, bác ngăn lại, bảo các chú cứ ngồi ăn đi, để bác xuống lấy cũng được. Sau bữa ăn, bác xuống nhà bếp, thấy tôi chỉ mặc mỗi một chiếc áo sơ-mi trong khi trời đang trở rét, bác nghiêm mặt bảo: “Tôi phê bình đồng chí vì ăn mặc phong phanh quá. Đồng chí phải mặc thêm áo vào kẻo bị ho đấy”. Tôi trả lời: “Tôi cũng phê bình đồng chí Tổng Bí thư vì đồng chí cũng ăn mặc phong phanh quá. Đồng chí phải giữ gìn sức khỏe cho mình để còn lo cho dân, cho nước nữa chứ”. Rồi cả hai bác cháu cùng cười. Bác Duẩn là vậy, bao giờ cũng quan tâm, chăm lo miếng cơm manh áo cho mọi người trước rồi mới lo cho mình. Đó là một đức tính mà tôi luôn ghi nhớ, học tập và phấn đấu làm theo suốt cả cuộc đời”, bà Trịnh Thị Mão tâm sự.
Văn Thắng