Về xã anh hùng Nâm Nung

“Khác xưa lắm rồi…”
Về xã anh hùng Nâm Nung

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được chọn làm căn cứ để xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, đồng bào các dân tộc nơi đây đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc…

“Khác xưa lắm rồi…”

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm lại xã anh hùng Nâm Nung. Xe chúng tôi lướt bon bon trên những con đường trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những vườn cà phê bát ngát xanh rì đang trổ bông trắng xóa, báo hiệu một mùa xuân mới đang về với bon (buôn) làng. Nằm nép mình dưới dãy núi Nâm Nung hùng vĩ (cao trên 1.500m), vùng chiến khu xưa nay đã đổi thay. Trong màu xanh của cây trái, ẩn hiện những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm ngày càng nhiều. Hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài theo những triền đồi đến tận các bon làng xa xôi. Trên các con đường liên thôn, liên bon rộn rã tiếng máy cày, tiếng cười nói của người dân lên nương lên rẫy, tiếng vui đùa của trẻ thơ cắp sách đến trường trong những bộ áo quần gọn gàng, sạch đẹp. Nhìn cảnh tượng ấy, ít ai nghĩ rằng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nâm Nung là một trong những căn cứ cách mạng sớm nhất của vùng đất cực Nam Tây Nguyên và chiến trường nơi đây cũng rất ác liệt.

Chào đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiết, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, khoe: “Khác xưa lắm rồi các đồng chí ạ, đồng bào giờ đây đã có cuộc sống no ấm, sung túc hơn trước nhiều lắm, cơm đã đủ ăn, áo đủ mặc, nhà nào cũng có tivi, xe máy... Trước đây không có xe đạp mà đi, nay bà con có cả xe hơi nữa đấy”. Ông Quảng cho biết thêm: Toàn xã có 1.636 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 90%. Hiện xã có đường bê tông nhựa đến tận các thôn, bon với 120km phục vụ việc đi lại cho nhân dân. 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt. Các điểm trường xây dựng khang trang, đáp ứng được nhu cầu việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh tại chỗ. Trạm y tế xã có bác sĩ túc trực để khám chữa bệnh kịp thời cho đồng bào, mỗi năm có gần 6.000 lượt người tới thăm khám. Chính sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở vật chất đã mang đến đời sống nhân dân ngày càng thay da đổi thịt, thu nhập từ đó được cải thiện đáng kể (thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 5-7 triệu đồng/người/năm, nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 25 triệu đồng/người/năm).

Nhiều đồng bào xã anh hùng Nâm Nung đã xây được nhà lầu, có xe hơi đi lại. Ảnh: CÔNG HOAN

Một lòng theo Đảng

Đến thăm lại già làng Y Thy (80 tuổi, ở bon Ja Rá, một trong 4 người M’nông đầu tiên hoạt động ở vùng căn cứ này và được kết nạp Đảng năm 1959), già vẫn nhanh nhẹn, quắc thước như ngày nào. Già làng Y Thy vẫn nhớ thuở đó không có ngày nào máy bay địch không rải bom đạn xuống vùng đất này. Nhưng với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, đồng bào các dân tộc M’nông, Ê Đê nơi đây, dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, đói cơm thiếu muối, vẫn một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Ban ngày, đồng bào tăng gia sản xuất; đêm về dẫn đường, che giấu bộ đội, vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cách mạng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ghi nhận công lao của đồng bào nơi đây, Nhà nước đã phong tặng quân và dân xã Nâm Nung danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.

Mời chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế salon bóng lộn, già Y Thy hồ hởi: “Già ưng cái bụng lắm, nay nhà đã có tivi to để xem phim, thời sự, thời tiết. Bà con trong bon giờ đã đủ no, có áo đẹp để mặc mỗi khi tết đến xuân về, nhà nào cũng có xe máy để đi lại…”. Chia tay già Y Thy, chúng tôi lại rảo bước để ngắm thêm những ngôi nhà khang trang nằm bề thế trên mảnh đất anh hùng. Lên xe trở về phố thị, lòng chúng tôi thấy ấm lạ vì biết rằng xã Nâm Nung anh hùng sẽ có một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Công Hoan - Trường Giang

Tin cùng chuyên mục