Về xứ Đoài xem hội rước nước

Không ai biết rước nước có tự bao giờ nhưng ít nhất, từ hàng trăm năm nay nghi lễ truyền thống ấy đã được duy trì và phát huy tại nhiều làng quê nằm ven sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội... Mỗi nơi nghi thức khác nhau nhưng đều có chung lòng ngưỡng vọng đến các vị thần linh.
Về xứ Đoài xem hội rước nước

Không ai biết rước nước có tự bao giờ nhưng ít nhất, từ hàng trăm năm nay nghi lễ truyền thống ấy đã được duy trì và phát huy tại nhiều làng quê nằm ven sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội... Mỗi nơi nghi thức khác nhau nhưng đều có chung lòng ngưỡng vọng đến các vị thần linh.

Từ mùng 2 Tết, tại đình làng Mông Phụ, thuộc làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không khí lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp với sự tham gia của hàng trăm người dân bản địa, khách du lịch, trong đó không ít khách nước ngoài. Sân đình đã bắt đầu được dựng rạp, bày biện chu đáo để chuẩn bị cho lễ hội chính thức bắt đầu từ ngày 4 đến 10-1 âm lịch, trong đó không thể không kể đến nghi lễ rước nước truyền thống. Và nghi lễ này cũng là hoạt động đặc trưng không thể thiếu trong những ngày xuân của nhiều làng, xã nằm ven sông Hồng thuộc vùng di sản văn hóa xứ Đoài. Có thể kể đến: đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh), đình Khách Nhi (xã Vĩnh Thịnh), đình Bích Chu, Thủ Độ, Kim Đê (xã An Tường), đình Vân Giang (xã Lý Nhân) đều thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội); làng Yên Thịnh (phường Phú Thịnh), làng Trấn (xã Thượng Lâm) thuộc Sơn Tây, Hà Nội... Thậm chí, ở hội Đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình), diễn ra từ 13 đến 18-1 âm lịch cũng có nghi lễ này.

Hội xuân với nghi lễ rước nước mỗi làng chọn thời điểm khác nhau nhưng nhộn nhịp nhất chính là thời điểm tháng Giêng, thường từ ngày 7 đến 10-1 âm lịch. Một số địa phương, nghi lễ rước nước được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Nhưng, để có lễ rước long trọng, đúng nghi thức, thời gian luyện tập, chuẩn bị có khi kéo dài đến vài tháng. Tại thôn Cam Giá (xã An Tường, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nơi có đình Cam Giá, đã hơn 200 tuổi, được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1996, những ngày đầu năm không khí chuẩn bị tất bật dù đình làng đang trong giai đoạn tu sửa. Ngoài việc chọn lựa chủ tế - người đức cao vọng trọng được cả làng tín nhiệm; ban tế nam, nữ; các đội múa sinh tiền; đội múa rồng; đội chấp kích rước binh khí nhà thánh... đã luyện tập gần như hoàn tất. Đội rước gồm kiệu hoa và kiệu rước chóe cũng đã tuyển lựa được những thanh niên ưu tú sẵn sàng cho ngày chính hội.

Dù có nhiều điểm khác nhau trong cả phần lễ và hội nhưng tựu chung, rước nước là nghi lễ truyền thống đặc trưng của các cư dân trồng lúa nước nằm ven sông Hồng nhằm thể hiện sự thành kính, biết ơn với các vị thần được dân làng thờ phụng. Đồng thời, cầu mong một năm mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa. Đoàn rước mỗi làng thường đi bộ, có khi vài km qua làng, băng qua cánh đồng đi dọc bờ đê trước khi dừng ở bờ sông để thực hiện phần nghi lễ quan trọng nhất - lấy dòng nước tinh khiết nhất ở giữa sông về tắm thánh. Thuyền rước, sau khi chạy vài vòng trên sông cũng lấy nước đầy chóe trước khi cả đoàn rước hân hoan trở về đình làng để thực hiện các nghi thức tế lễ. Trải bao thời gian nhưng phần nghi lễ luôn được các làng gìn giữ vẹn nguyên, kế thừa và phát huy, đồng thời là bài học giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa, sự cố kết cộng đồng.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục