Vì ai?

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa khẳng định sẽ sớm trình quốc hội dự luật về tiền thưởng. Theo đó, tất cả các công ty có từ 50 nhân viên trở lên buộc phải tăng thêm tiền thưởng nếu làm ăn có lãi. Những công ty dưới 50 nhân viên cũng được kêu gọi tăng thêm thưởng cho nhân viên và sẽ được nhà nước giảm thuế.

Tổng thống Sarkozy cho rằng trong tất cả các công ty của Pháp, mọi công nhân phải cảm thấy những nỗ lực của họ suốt cuộc khủng hoảng vừa qua được tưởng thưởng xứng đáng. Nếu cổ đông được chia thêm tiền lời thì nhân viên cũng phải có thêm tiền. Ông Sarkozy nhấn mạnh những công ty làm ăn có lãi trong giai đoạn phục hồi nên thưởng đặc biệt cho nhân viên, ít nhất là 1.000 EUR/người. Dự luật có thể sẽ được quốc hội thông qua vào tháng 7 để có thể thực hiện ngay trong năm nay.

Thế nhưng, sáng kiến của Tổng thống Sarkozy đã tạo nên làn sóng phản đối. Các nghiệp đoàn của các công ty tư nhân cho rằng sẽ không công bằng vì việc chi thưởng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí các công ty. Các nhà kinh tế thì cho rằng dự luật có thể gây cản trở hoạt động của các công ty nước ngoài tại Pháp vốn phải chịu các quy định ngặt nghèo về tuyển nhân viên. Nhà kinh tế Dominique Barbet tại Tập đoàn Ngân hàng BNP Paribas đặt câu hỏi: vì sao nhà nước phải can thiệp mà không để các công ty quyết định chuyện chi trả lương thưởng. Quả thật, chính phủ của Tổng thống Sarkozy đã “đóng băng” khả năng tăng lương trong lĩnh vực công đến cuối năm 2012 nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Những người làm công ăn lương cũng tỏ ra thờ ơ với dự luật trên, xem đó là kế hoạch nghèo nàn ý tưởng trong bối cảnh lương bổng không tăng theo kịp với đà tăng giá và nhất là tỷ lệ thất nghiệp không giảm. Sau khi thắng cử năm 2007, Tổng thống Sarkozy từng cam kết sẽ cải thiện đời sống người lao động, nhưng đến nay báo chí Pháp gọi ông là “bạn của nhà giàu” vì các chính sách đều mang lợi ích cho những người giàu có. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, gần 10% và lạm phát tăng lên mức 2%. 

5 năm trước, ông Sarkozy tranh cử tổng thống với khẩu hiệu lúc đó là “Làm nhiều hưởng nhiều”. Giờ đây, không phải ngẫu nhiên ông muốn hâm nóng lại quan hệ với những người từng ủng hộ ông. Tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy vào tháng 3 chỉ còn 28%, mức thấp nhất kể từ khi ông đắc cử tổng thống và là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất dành cho một tổng thống Pháp kể từ Thế chiến thứ hai. Ông đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới mặc dù cho tới nay ông vẫn chưa chính thức thông báo tái ứng cử.

Ông Stephane Rozes, trưởng nhóm hiệp thương chính trị CAP, nhận xét động thái của Tổng thống Sarkozy mang hơi hướng vận động bầu cử. “Cái mà người lao động cần là tăng lương chứ không phải tiền thưởng. Người dân nghi ngờ những từ ngữ của ông Sarkozy vì ông đã hứa hẹn quá nhiều nhưng không giữ lời. Giờ đây ông lại đề nghị doanh nghiệp thực hiện điều mà nhà nước không thể thực hiện”, ông Rozes nói.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục