
Trong quyển sổ “Chương trình hoạt động của đoàn lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm Hoa Kỳ từ 18 đến 24-6-2007”, ở trang ghi lịch làm việc của ngày 21-6, có một dòng ghi chú làm tôi chú ý: Rời khách sạn đi thực tế ở ngoại ô Washington D.C. Đây quả thật là một lịch trình khá lạ so với chương trình thường thấy trong các chuyến công du nước ngoài của các vị nguyên thủ quốc gia nước nhà.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bìa trái) thăm vườn nho của gia đình ông Paul Braeux. Ảnh: T.H
8 giờ 30 sáng 21-6 (khoảng 20 giờ 30 tối 21-6 giờ Việt Nam), đoàn xe chở Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu lăn bánh rời khỏi khách sạn, tiến dần ra ngoại ô và càng xa trung tâm, tốc độ xe chạy càng nhanh, cây cối hai bên đường càng nhiều.
Trên chiếc xe dành cho báo chí, anh em phóng viên ngẩn ngơ trước cảnh đẹp thiên nhiên đang hiện trước mắt mình: Những cung đường cao tốc đến 12 làn xe đan xen nhau trên nhiều độ cao, hầu hết đều rợp bóng cây; những ngọn đồi bát úp mượt mà màu xanh cỏ; những ngôi nhà nhỏ xây theo kiểu biệt thự của Pháp màu đỏ gạch, màu vàng nhạt nằm rải rác trên những triền đồi; những cánh rừng xanh thẫm và những dòng suối… Thiên nhiên được giữ gìn thật cẩn thận và đẹp như tranh vẽ.
Rời khỏi đường cao tốc, đoàn xe chở chúng tôi rẽ vào nhánh đường nhỏ uốn lượn giữa các cánh rừng. Hai bên đường, rừng, đồi cỏ và ruộng nho đan xen nhau. Nho ở đây không cao, lá và thân không lớn như những ruộng nho thường thấy ở Pháp hay ở Ninh Thuận quê mình mà thấp ngang ngực, cành nhánh mảnh dẻ, lá non xanh ngắt. Còn trên những quả đồi xanh cỏ, thi thoảng lại thấy những thùng gỗ sồi nằm nghiêng nghiêng phơi nắng.
Nơi chúng tôi dừng chân là một nông trang mang tên Breaux Vineyard (Vườn nho nhà Breaux). Tôi biết điều đó nhờ đọc dòng chữ khắc bằng lửa khè trên tấm biển gỗ sồi trông như một lát cây bị cắt dọc theo thân, đặt ngay cổng vào chứ quanh đó chẳng thấy bóng người nào ngoài các nhân viên an ninh -vốn im lìm và nghiêm trang– của Hoa Kỳ theo bảo vệ lộ trình. Nghe nói trang trại này rộng đến 180ha, lớn nhất trong cả vùng. Đứng trên quả đồi cao nhất của trang trại, nhìn ra xung quanh chỉ thấy một màu xanh mướt mắt của vườn nho. Và trên các dây nho mảnh dẻ, những quả nho vừa nhỉnh hơn hạt đậu phộng một chút bám chi chít trên những chùm nho dày đặc dài hơn một gang tay người lớn.
Ông Paul Breaux, 58 tuổi, là chủ nhân nông trại. Ông và các con sống đầm ấm tại trang trại này đã nhiều năm. Người con gái lớn của ông, hiện đứng tên sở hữu trang trại Breaux, còn trẻ và rất đẹp. Cô duyên dáng cùng cậu em trai –chủ nhân của một trang trại trồng nho khác nằm lân cận Virginia– ra tận cổng đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các thành viên trong đoàn. Khi quan khách vào nhà, ông Paul đích thân tiếp khách. Hơn 10 loại rượu vang được sản xuất tại hầm rượu của gia đình cùng nhiều loại bánh trái khác do chủ nhân chế biến được dọn ra mời khách quý.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về công việc của gia đình, ông Paul cho biết mỗi năm trang trại gia đình ông sản xuất khoảng 100.000 chai rượu vang theo chủng loại riêng của mình. Tuy nhiên, như ông cho biết, nho dùng để chế biến ra lượng rượu đó chỉ hết khoảng 70% sản lượng nho của trang trại. Lượng nho còn lại ông bán cho các xưởng rượu khác trong vùng, những xưởng rượu mà trang trại nhỏ không có đủ nho để chế biến. “Ông bán sản phẩm của mình có dễ không khi mà rượu vang của Pháp và nhiều nước khác đã quá nổi tiếng?” -Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hỏi. Ông chủ nhà cười tươi: “Rất dễ. Tôi có thị trường riêng cho chủng loại rượu của mình nên sản xuất tới đâu là bán hết tới đó. Người ta uống rượu vang theo sở thích riêng nên không sợ rượu của mình lẫn với rượu khác…”
Đưa Chủ tịch nước đi tham quan xưởng làm rượu của mình, chỉ vào những dãy thùng tônô, ông Paul cho biết toàn bộ mẻ rượu này sang năm sẽ tới kỳ thu hoạch. “Tôi rất muốn đến lúc đó, lại được mời ông nếm thử rượu như hôm nay. Ông sẽ đến chứ?” -ông Paul quay sang Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hỏi. Chủ tịch cười vang: “Tôi rất muốn đến. Nhưng sao ông không đến Việt Nam nhỉ? Đất nước tôi rất hiền hòa, người dân rất thân thiện, cởi mở…”. “Tôi rất muốn đến Việt Nam vì đất nước ấy đã gắn bó sâu sắc với lịch sử của Hoa Kỳ” -ông Paul trầm giọng trả lời rồi nói tiếp: “Tôi mong sao Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển và mối quan hệ giữa 2 nước sẽ ngày càng củng cố, thân thiện hơn”.

Gia đình ông Paul chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên tháp tùng đoàn. Ảnh: T.H
Hướng dẫn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm vườn nho của gia đình, trên đường đi, ông Paul không ngừng hỏi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về Việt Nam, về bản thân Chủ tịch. Ông tỏ ý thắc mắc không biết Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có từng là nông dân như ông không. Chủ tịch vui vẻ giải thích: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gia đình gắn bó với nghề nông. Nhưng nông dân Việt Nam thì chưa thể giống như ông, nông dân Việt Nam còn nghèo, trình độ sản xuất còn chưa cao. Chúng tôi đang làm hết sức để nâng cao hơn nữa đời sống người nông dân nước tôi”.
Vị chủ nhà không hỏi thêm nhưng chúng tôi biết ông hiểu. Có một điều đặc biệt là trên trang trại của gia đình Breaux, cũng như những trang trại khác quanh đó, tuy đang vào mùa chăm sóc cao điểm nhưng đều rất vắng người. Theo ông Paul, hầu hết các công việc đồng áng ở đây, từ tưới nước, phun thuốc đến bón phân, thăm đồng đều thực hiện bằng máy hoặc bằng thiết bị điện tử, ngoại trừ khâu thu hoạch. “Nho phải được cắt cẩn thận từng chùm, tránh dập nát thì rượu mới ngon và dây nho mới không bị tổn hại. Mùa thu hoạch nho cả vùng này rộn ràng lắm. Nếu rảnh rỗi, các bạn hãy đến đây khi ấy…” -ông Paul cùng các con ông mời.
Chủ tịch và ông Paul trò chuyện với nhau rất sôi nổi, thân thiện. Chỉ có một lần chúng tôi thấy nét suy tư hằn trên trán vị Chủ tịch nước, đó là lúc nghe chủ nhà giới thiệu về các trang thiết bị, phương tiện làm đồng hiện đại của gia chủ. Có lẽ ông suy tư vì nghĩ đến nỗi vất vả của người nông dân quê nhà...
Phút chia tay giữa Chủ tịch nước Việt Nam với gia đình người nông dân Hoa Kỳ thật bịn rịn. Ông Paul xúc động ôm chầm lấy Chủ tịch. Phải đến 3 lần ông chào tạm biệt mà tay vẫn không muốn rời. Và khi Chủ tịch nước quay đi, ông nói với chúng tôi: Ngài ấy thân thiện quá…
Trúc Quân