Vị đắng muối Sa Huỳnh

Đã đặt chân đến vựa muối của miền Trung ấy không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đến, đều mang tâm trạng tìm kiếm một cái gì đó mới hơn, chí ít được thấy đời sống của những diêm dân khấm khá hay đầu ra của sản phẩm rộng đường. Vậy nhưng, trên những thửa ruộng muối như những ô bàn cờ được người dân chăm chút tỉ mẩn, cần cù ấy là những phận đời vẫn lầm lụi như đời của họ vẫn vậy - đắng như vị muối ế!
Vị đắng muối Sa Huỳnh

Đã đặt chân đến vựa muối của miền Trung ấy không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đến, đều mang tâm trạng tìm kiếm một cái gì đó mới hơn, chí ít được thấy đời sống của những diêm dân khấm khá hay đầu ra của sản phẩm rộng đường. Vậy nhưng, trên những thửa ruộng muối như những ô bàn cờ được người dân chăm chút tỉ mẩn, cần cù ấy là những phận đời vẫn lầm lụi như đời của họ vẫn vậy - đắng như vị muối ế!

        Muối trắng

Nắng tháng 6. Mới nửa buổi sáng mà cánh đồng muối ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) như chảo lửa. Trên khắp các ô ruộng muối, người người đang đầm nền ruộng, một số khác thì hì hục đẩy xe cút kít rải cát lên trên. Những tấm lưng đẫm ướt mồ hôi lộ lớp da sau lớp áo mỏng dính chặt, những đôi chân trần thoăn thoắt bước trên bờ, bì bõm xuống làn nước mặn và những khuôn mặt lã chã mồ hôi mặn chẳng kém gì nước biển.

Diêm dân vẫn chưa có nguồn thu nhập ổn định từ ruộng muối.

Diêm dân vẫn chưa có nguồn thu nhập ổn định từ ruộng muối.

Múc nước dưới kênh đổ vào ruộng đã rải cát, ông Ngô Tấn Hồng (58 tuổi) ở thôn Tân Diêm, lẩm nhẩm: “Nước loãng quá, không biết có đóng diêm nổi không”. “Đang nắng gắt thế này mà chiều mây đùn lên từ phía chân trời, gió thổi mạnh, bầu trời vần vũ mây đen ắt là có mưa, công sức đổ ngược ra biển ngay”. Ông Hồng làm 3 sào ruộng muối, bằng giờ năm ngoái trời ít mưa, thu được hơn 6 tấn muối, năm nay cứ chiều lại mưa dông nên mới chỉ thu về hơn 3 tấn. “Bỏ ra 18 triệu đồng để làm muối trên bạt mà từ đầu năm đến giờ bán được chưa đầy 4 triệu đồng. Hỏi thử không chạy vạy làm kiếm thêm thu nhập, trông cậy hết vào hạt muối thì chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền ăn học cho con cái lấy đâu ra?” - ông Hồng than thở.

Có lẽ, chẳng có nghề nào vất vả mà “đánh bạc” với trời như nghề làm muối. Dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, bao nhiêu người tìm chỗ bóng mát trú tránh, còn với họ - những diêm dân lại căng mình ra đồng… phơi nắng! “Phải tranh thủ chứ. Nắng càng gắt, nhiệt độ càng cao, hơi nước bốc nhanh càng kết tinh nhanh thành hạt muối. Từ khâu vệ sinh ruộng, đầm ruộng, vô cát, vô nước, đo nồng độ mặn rồi chờ thời gian kết tinh thành muối…, quy trình ấy có khi mất khoảng nửa tháng thì hạt muối mới thành hình hài” - ông Hồng nói thêm.

Đang vun muối thành từng đụn nhỏ như chiếc nón úp, diêm dân Nguyễn Văn Hải bảo: “Vất vả nhất rơi vào tuần đầu sau khi trổ nước vào ruộng. Ba ngày đầu nếu có mưa thì coi như công cốc. Tôi làm hai sào muối. Mấy ngày qua nhờ trời nắng nên muối kết tinh nhanh, trắng tinh và sạch sẽ. Cái nghề cực vậy, thu nhập không cao lại bấp bênh đầu ra đầu vào nhưng chẳng ai nỡ bỏ. Bỏ thì có tội với cha ông, bỏ thì lấy đâu ra những hạt muối trắng, lấy đâu ra vị mặn mòi cho mọi người trong những bữa ăn”. Ngừng giây lát, anh Hải thành thật: “Mà làm như hiện nay thì phập phù quá!”.

        Tiền tỷ bỏ phế

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, chia sẻ những trăn trở của diêm dân: Cách nay 10 năm, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, một nhà máy chế biến muối tinh đã được xây dựng với số vốn hơn 5 tỷ đồng ngay bên cạnh đồng muối. Dân Sa Huỳnh như kẻ không biết bơi vớ được cọc. Làm ra muối, bán tại chỗ, đỡ tốn công sáng sớm đã quăng bao muối lên xe đạp, gồng mình mà đạp, rồi quang gánh kĩu kịt, rao rát họng bán từng lon. Nhưng rồi niềm vui chẳng tày gang. Vài năm đầu hoạt động, nhà máy chê muối Sa Huỳnh bẩn nên nhập muối nơi khác về sản xuất, sau đó thì đóng cửa và dừng hẳn đã hơn 8 năm qua. Nhìn những thiết bị bên trong nhà máy được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước ngày một hoen gỉ, dây chuyền sản xuất như đống sắt vụn. Không biết có phải vì vậy mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã sốt ruột rao bán nhà máy với số tiền 3,2 tỷ đồng. Bà con làm muối lại vui mừng khi nghe tin nhà máy đã được bán lại cho một doanh nghiệp ở TPHCM với cơ chế thu mua muối của dân giá cả ổn định, nhưng chờ mãi rồi cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Chúng tôi mang câu hỏi này đến các lãnh đạo huyện, tỉnh và nhận được câu trả lời rất giống nhau: “Không biết”! Ngay cả các cơ quan chức năng còn không biết thì bao giờ diêm dân mới biết?!

Nhà máy chế biến muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh đã rao bán 3,2 tỷ đồng, như một nhà kho bỏ hoang.

Nhà máy chế biến muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh đã rao bán 3,2 tỷ đồng, như một nhà kho bỏ hoang.

Chuyện nhà máy chế biến muối chưa xong, cuối năm 2011, diêm dân Phổ Thạnh liên tiếp dồn dập đón nhận hai tin vui, ai cũng mừng ra mặt và hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn cho những hạt muối trắng: muối Sa Huỳnh được công nhận thương hiệu, các hộ dân được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Như được tiếp sức, 96 hộ diêm dân đã vay số tiền 1,9 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách với lãi suất 0,6%/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thạch ở HTX Muối 2: “tiền đã về nhưng nhiều người không dám vay vì sợ bán muối không được, lại thêm nợ nần”.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục