“Vì mình là TNXP!”

“Vì mình là TNXP!”
Đoàn Ngọc Hùng (đang cầm guitar) trong một buổi sinh hoạt ở Trại sáng tác của LLTNXP, tổ chức vào tháng 12-2008 tại Trường 1 Đắc Nông, nơi anh từng làm phó giám đốc. Ảnh: T.N. NGUYÊN ÁNH

Đoàn Ngọc Hùng (đang cầm guitar) trong một buổi sinh hoạt ở Trại sáng tác của LLTNXP, tổ chức vào tháng 12-2008 tại Trường 1 Đắc Nông, nơi anh từng làm phó giám đốc. Ảnh: T.N. NGUYÊN ÁNH

Trong bộ đồng phục trắng dành cho bệnh nhân giữa khuôn viên rộng mênh mông của Bệnh viện 175, anh bạn Đoàn Ngọc Hùng của tôi với 1,60m chiều cao và cân nặng… 45kg trông càng nhỏ bé hơn.

Ngoài bệnh tiểu đường bị phát hiện khi té xỉu giữa lúc đang nhảy múa ở Trường Giáo dục - đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (Đắc Nông) hồi năm 2000 (lúc anh đang là phó giám đốc) kéo dài đến nay, các xét nghiệm mới nhất của bệnh viện cho thấy Hùng còn bị khô gan, suy thận, đau bao tử, hẹp động mạch vành…!

Mấy năm nay bạn bè đều biết sức khỏe của anh ngày càng tệ. Hùng cũng luôn tự nhận “bệnh đều khắp các cơ quan đoàn thể, trừ mỗi “chỗ đó” là luôn khỏe!”. Mở ngoặc: Xin đừng vội hiểu lầm bậy bạ. “Chỗ đó” của Hùng chính là… cái miệng. Hùng nói rất nhiều, cãi rất hăng, luôn sẵn sàng hát và khi bực mình thì chửi thề liên tục.

Nhiều năm là cán bộ Đoàn, cán bộ tuyên giáo ở Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, anh tự nhận mình sống được là nhờ cái miệng, nhưng đôi khi vẫn bị “thần khẩu hại xác phàm”, đấu tranh hăng quá chỉ bị thiệt vào thân.

Lần thiệt vào thân đầu tiên là vào năm 1983, lúc Hùng mới 23 tuổi. Tốt nghiệp trung cấp môn sơn mài ở Trường Kỹ thuật TPHCM (Nguyễn Trường Tộ) năm 1979, Hùng về làm việc ở Xí nghiệp Mỹ nghệ xuất khẩu Sài Gòn. 4 năm sau, thấy nơi đây bắt đầu có nhiều tiêu cực, anh tham gia đấu tranh tập thể và vì trong nhóm to mồm nhất nên bị đì tới nơi tới chốn. Chán nản, Hùng bỏ việc, xin đi Thanh niên xung phong.

Bắt đầu là một đội viên ở Nông trường Thanh Niên huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ), thấy nhiều đồng đội bị mù chữ, Hùng thương tình dạy cho họ học ngay ngoài hiện trường, trong những giờ nghỉ. Bảng là nền đất, phấn là một cái que. Công việc thầm lặng tự phát của anh đã được cấp trên nhìn thấy. Ngày vẫn tham gia lao động, tối anh được mời lên nông trường bộ dạy bổ túc văn hóa môn Toán, Lý Hóa lớp 9 cho ban chỉ huy các đội.

Hùng nhớ lại: “Lúc ấy còn khó khăn lắm. Đèn dầu. Vạt giường, chân giường… được trưng dụng làm bảng viết cá nhân…”. Cứ thế, tinh thần hết lòng với tập thể đưa Hùng lên làm đội phó chính trị Đội sản xuất, rồi đội phó chính trị Đội học viên tệ nạn xã hội.

Huỳnh Tì, một trong Đại - Tì - Cái - Thế, 4 tay du đãng hàng đầu của Sài Gòn trước 75, từng là học viên của Hùng. Do tuổi tác, Hùng vẫn gọi ông là “chú Hai”, và “chú Hai” đã sống với TNXP suốt mấy năm trước khi “về đời”, thành một công dân bình thường.

Vào TNXP là chấp nhận một cuộc đời rày đây mai đó. Những năm tháng sau đó, Hùng có mặt trong 400 quân của TNXP đi làm thủy điện Trị An trong gần 1 năm, rồi về lại Nông trường Thanh Niên làm việc ở Phòng chính trị. Năm 1987, anh lập gia đình với một cô họa sĩ có 6 anh em ruột đều là TNXP! 1988, Hùng vừa có đứa con trai đầu lòng, nên khi Nông trường Thanh Niên giải thể, chuyển đi Lâm Hà (Lâm Đồng), Hùng xin đưa vợ con về Nông trường Đỗ Hòa cũng của TNXP gần đó, tiếp tục làm công tác thanh niên.

Năm 1990, Nông trường Đỗ Hòa sắp sếp lại bộ máy tổ chức, anh em hầu hết đều xin chuyển ngành về các ban ngành sở trong thành phố. Không muốn rời khỏi màu áo xanh và nhớ anh em, Hùng về nhà nhưng vẫn thường xuyên vào Lực lượng TNXP chơi, và rồi nhận làm việc ở… căn tin.

“Đó là những ngày thật sự vất vả. Vợ chồng tôi ôm con về lại thành phố, sống chung với gia đình vợ trong một căn phòng chung cư 28m² ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Q3, tổng cộng là 20 người! Chưa tìm được việc thì chưa có lương, không có gì ăn. Tôi làm ở căn tin TNXP do bạn bè thương tình đưa vào, không có lương, chỉ được bữa ăn sáng và trưa.

Bưng bê phục vụ được 3 ngày, Bí thư Đoàn TNCS ở TNXP lúc đó là Thái Thị Hạnh (sau về làm Phó Chủ tịch UBND quận 2, nay đã về hưu) nhìn thấy. Do biết tôi từ hồi có mặt chung trong ban tổ chức đại hội Đoàn TNXP ở Nông trường Nhị Xuân năm 1986, Hạnh kêu trời, đưa tôi lên làm ở Văn phòng Đoàn TNCS…” - Hùng kể.

Đầu năm 1994, Hùng lên làm Phó Bí thư Đoàn toàn lực lượng. 2 năm sau: Bí thư. 3 năm sau, anh nhận quyết định lên Đắc Nông làm Phó Giám đốc Trường Giáo dục - đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (gọi tắt là Trường 1, chuyên tập trung cai nghiện cho thanh niên xì ke ma túy).

Về thời gian này và về cả những ngày từng làm đội phó chính trị Đội học viên tệ nạn xã hội ở Nông trường Thanh Niên hồi năm 1984, Hùng kể: “Thực tế đã cho tôi niềm tin con người hoàn toàn có thể tự thay đổi mình, với sự giúp đỡ của xã hội…”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian này, với Hùng, là bản “Triết lý giao ban sáng” do anh tổng hợp từ ý tưởng của 4 nhân vật: bí thư chi bộ Lê Văn Quang, đội trưởng Đội học viên Trương Đình Trí, nhân viên Phòng giáo dục tư vấn Hoàng Nam Phong và học viên cai nghiện Trần Thanh Tuấn. “Triết lý giao ban sáng”, được học viên Trường 1 tập trung đọc răm rắp đầu chương trình sinh hoạt mỗi buổi sáng (sau đó là các phần điểm báo, thông tin việc đã làm hôm qua, việc sẽ làm hôm nay, phê bình, biểu dương…) trước phiên lao động, có nguyên văn như sau:

Chào một ngày mới, chào cuộc đời mới đang bắt đầu

Quá khứ tối tăm sẽ qua đi, những tháng năm dài u mê

Chìm sâu trong vũng lầy ma túy

Chúng ta nhận thức rằng

Ma túy là hiểm họa của xã hội

Là nguyên nhân tha hóa con người

Là khởi đầu của mọi tội lỗi

Dù hàng trăm người trong chúng ta là hàng trăm cách biệt

Nhưng chúng ta cùng chung một mục đích

Đến đây để làm lại cuộc đời mới

Hãy quên đi những thói hư tật xấu

Cùng gạt bỏ những cám dỗ xấu xa

Xin cảm ơn gia đình đã không bỏ rơi ta lúc khó khăn

Xin cảm ơn bạn bè đã mở rộng vòng tay yêu thương thân ái

Xin cảm ơn nhà trường đã cho ta niềm tin, nghị lực và cuộc sống mới

Chào một ngày mới, chào cuộc đời mới đang bắt đầu…

Ngỡ là đơn giản, nhưng “Bản triết lý…” đã đi vào từng trái tim học viên, tạo cho họ niềm tin vào một cuộc sống mới đang bắt đầu, rằng họ sẽ thay đổi và vượt qua tất cả. “Bản triết lý…” đã nhanh chóng vượt ra khỏi Trường 1, đến tất cả trường cai nghiện khác của TNXP, như một động lực tinh thần giúp sức cho từng học viên khi bắt đầu một ngày mới.

Đến bây giờ Hùng vẫn còn nhớ nguyên văn những “câu kinh nhật tụng” này! Anh nói “Bản triết lý…” không chỉ giúp ích cho các học viên một thời lầm lỡ, mà còn tác động cả với chính anh và nhiều đồng đội khác (Hùng còn sáng tác một ca khúc từ Bản triết lý… này).

Cuối năm 2002, Hùng về lại lực lượng làm việc tại Ban Tuyên giáo Đảng ủy.

Nhận thấy TNXP đã phát triển thành một lực lượng lớn với nhiều đơn vị cơ sở, trường trại, Hùng cảm thấy rất cần thiết có một tờ báo cho đơn vị, như tờ Tuyến Đầu của những năm tháng hùng tráng đào kênh, xây dựng vùng kinh tế mới, phục vụ chiến trường mà những Ông Văn Chiến, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh… đã làm ngày nào. Anh đề xuất và đấu tranh liên tục cho đề xuất của mình trong suốt 2 năm, cuối cùng cũng được cấp trên đồng ý xin phép ra đời tờ Bản tin TNXP mỗi tháng một lần. Quyết định được Sở VH-TT cấp ngày 12-1-2004, 3 ngày sau Hùng đã xách tờ báo đưa đi nhà in trước ánh mắt ngạc nhiên của các sếp.

Bắt đầu một “trận đánh” mới. Hùng tự mày mò học ngày đêm mọi thứ liên quan đến việc làm báo. Anh đếm chữ từ từng ô, mục trên các báo có cùng kích thước (SGGP Thứ Bảy, Tuổi Trẻ Cuối Tuần...) rồi tự vẽ maquette cho từng trang báo. 3 tháng đầu anh thuê người dựng trang bằng máy vi tính, cũng là 3 tháng anh ngồi sát bên học lóm. Anh tự đọc sách để học các chương trình Corel, Photoshop... Số Bản Tin thứ 4, Hùng mạnh dạn đề xuất anh sẽ tự làm tất cả, đỡ tốn cho đơn vị mỗi tháng 3 triệu đồng. Trong suốt thời gian đầu, tờ bản tin chỉ có 2 người làm. Ngoài Hùng lo hết về nội dung, kỹ thuật, là ông bí thư Đảng ủy đứng tên Trưởng ban biên tập chịu trách nhiệm duyệt bài. Tờ Bản Tin ấy nay đã tồn tại được 5 năm, số in lúc cao nhất lên tới 7.500 bản/kỳ.

Có tờ báo thì phải có người viết. Hùng tự tổ chức mạng lưới cộng tác viên ở các đơn vị, trong vòng 2 năm đã được 62 người, là cán bộ đội viên khắp nơi, kể cả các học viên cai nghiện! (8 bạn này nay đều đã trưởng thành, về đời, làm việc ngon lành). Anh mời các anh chị ở Hội Nhà báo TPHCM đến dạy cho họ về kỹ thuật làm tin, viết báo. Anh mở 4 trại tập huấn cho CTV ở Lâm Hà, Đắc Nông, Bình Dương, Cần Giờ. Những tin bài đầu tiên gửi về, hầu hết anh đều phải viết lại. Dần dần anh em đã quen việc, chính là nguồn tin bài chính hiện nay cho Bản Tin.

Đã có tờ Bản Tin, một năm sau (2005) Hùng lại đề xuất và đứng làm luôn chương trình phát thanh Chúng tôi là TNXP trên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, 2 tuần một kỳ, mỗi kỳ 15 phút. Chỉ kỳ đầu tiên là do bộ phận kỹ thuật bên đài làm. Hùng lại theo học lóm từ chuyện thu âm, phỏng vấn, đổ vào vi tính, quét, cắt dán..., để từ kỳ thứ hai anh đã tự mình làm được một chương trình hoàn chỉnh chỉ việc đem phát.

Đáng tiếc Chúng tôi là TNXP chỉ sống được 55 kỳ. Tháng 8-2007, nó đã được Ban chỉ huy LLTNXP cho “hoàn thành nhiệm vụ” trong sự ngỡ ngàng của những người thực hiện. Lần đó, Hùng nhớ “mình đã viết tay một “quyết tâm thư” dài 9 trang giấy, gửi cho chỉ huy trưởng để nói về chuyện đó cùng 7 nội dung về công tác quản lý khác của đơn vị. Tiếc là vẫn không cứu sống được Chúng tôi là TNXP trên đài!”.

Năm 2008, cũng vẫn là Hùng được giao đứng làm trang web www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn. Quân số của tờ Bản Tin và website này vẫn là 2 người, ngoài Hùng còn có một cô TNXP khác. Anh lại lao vào việc tự học...

Hỏi tại sao anh luôn thích đâm đầu vào những cái mới, cái khó, Hùng cười, nháy mắt: “Vì mình là thanh niên xung phong mà!”. Phải rồi, THANH NIÊN XUNG PHONG… Tôi chỉ có 3 năm, vậy mà đến giờ vẫn còn thương còn nhớ còn hăng máu, nói gì Hùng đã có 26 năm khoác màu áo xanh ấy!

Ngày 3-6-2009, sau vài độ nhậu liên tục trong mấy buổi chiều, Hùng chợt thấy đuối, chảy nước mắt nước dãi, tai lùng bùng... Anh đo và thấy chỉ số đường huyết lên tới 565, một con số báo động, “nằm xuống ngủ có thể sẽ... đi luôn”. Bạn bè đưa ngay anh vào Bệnh viện 175 cứu chữa...

oOo

Chia tay ở căn tin bệnh viện, tôi đứng nhìn theo Hùng đi về phòng bệnh của mình. Vóc dáng gầy yếu của anh gần như lập tức lẩn mất trong những bệnh nhân và người thăm nuôi đang đi lại trên đường. Hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe Hùng ơi. Bỏ hút thuốc đi. Đừng nhậu nữa. Tôi đã mất một TNXP Đinh Đoan Hùng (nhà thơ Cao Vũ Huy Miên). Tôi không bao giờ muốn mất tiếp một TNXP Đoàn Ngọc Hùng luôn sôi nổi với công việc, chơi tới cùng với bạn bè. Bạn mới 49 tuổi thôi mà!

oOo

Hàng ngày ra đường, bạn sẽ thấy rất nhiều người chạy lướt qua trước mặt. Đa số là những người trông rất bình thường, thậm chí còn có vẻ… tầm thường, nhỏ bé, có thể mang nhiều bệnh trong người, cùng vài tật xấu, y như Hùng, bạn tôi. Họ có thể là một anh công nhân, y tá, bảo vệ, đầu bếp, nhân viên văn phòng, siêu thị… Một nông trường viên, ngư dân, kỹ sư, bác sĩ, cô giáo, tài xế, thợ điện, thợ xây, nhân viên lập trình, kỹ thuật viên truyền thông… Mặc kệ những tiêu cực. Mặc kệ những ai xấu xa, tệ hại. Họ cũng như Hùng, hoặc như chính bạn đấy, là đám đông đáng kể đang từng ngày từng ngày âm thầm làm việc, tận tụy, hết lòng, để xây dựng cuộc sống từng chút từng chút một tốt dần lên. Càng đi nhiều tôi càng thấy chung quanh mình luôn có vô số người như vậy.

…Dù hàng trăm người trong chúng ta là hàng trăm cách biệt

Nhưng chúng ta cùng chung một mục đích…

Xin cảm ơn Hùng với Triết lý giao ban sáng. Cảm ơn tất cả những người bình dị như Hùng vẫn đang hiện diện khắp nơi trên đất nước mình. Cuộc sống luôn đáng yêu chính nhờ những con người này, chứ không ai khác…

NGUYỄN ĐÔNG THỨC

Tin cùng chuyên mục