Từ năm 1987, ngày 31-5 được gọi là “Ngày thế giới không hút thuốc lá”. Mặc dù có riêng một ngày trong năm để cả thế giới cùng nhìn nhận những tác hại khủng khiếp do thuốc lá gây ra nhưng đáng buồn, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số người chết bởi thuốc lá hàng năm cao hơn số người chết bởi rượu, AIDS, tai nạn giao thông, sử dụng ma túy cộng lại.
Hơn 5 triệu người chết vì thuốc lá mỗi năm
Khói thuốc lá có hơn 4.000 chất độc, trong đó có 43 chất gây ung thư, gây ra cái chết của hơn 5 triệu người/năm. Trong khi số người chết bởi AIDS vào khoảng 2,8 triệu người/năm, tai nạn giao thông là hơn 1,2 triệu người/năm... 100 triệu người đã tử vong bởi thuốc lá trong thế kỷ 20 và nếu xu hướng dùng thuốc hiện nay không thay đổi, con số người chết bởi thuốc lá trong thế kỷ 21 có thể là 1 tỷ người.
Trong khi đó, số trẻ vị thành niên hút thuốc ngày một gia tăng, chỉ tính riêng ở Indonesia đã có 21 triệu trẻ em hút thuốc lá. Theo tờ Independent (Anh), các công ty sản xuất thuốc lá, lợi dụng các kẽ hở trong quản lý, đã tiếp thị sản phẩm đến đối tượng khách hàng mới, trẻ tuổi.
Tại các quốc gia như Nigeria, Ukraine và Brazil, các công ty sản xuất thuốc lá còn tài trợ cho các quán bar, các bữa tiệc của giới trẻ. Đồng thời, các công ty còn sử dụng mạng lưới luật sư, các nhóm vận động hành lang và nhiều chiêu thức khác để “qua mặt” các chính phủ.
Lợi nhuận khổng lồ
Hàng năm, số lượng thuốc lá bán ra thị trường vẫn tăng đều, từ mức 5.000 tỷ điếu thuốc/năm trong những năm 1990 đã tăng lên 5.900 tỷ điếu thuốc/năm vào năm 2009. Trong khi người dân ở các nước giàu giảm hút thuốc lá (từ chiếm 38% tổng số người hút thuốc toàn cầu năm 1990 xuống còn 24% vào năm 2009), lượng người hút thuốc lại ngày càng tăng tại các nước đang phát triển (chiếm 76% số người hút thuốc lá toàn cầu năm 2009).
Năm 2010, 4 “ông lớn” gồm: Philip Morris International (Mỹ), British American Tobacco (Anh), Japan Tobacco (Nhật Bản) và Imperial Tobacco (Canada) đã thu về khoản lợi nhuận kếch xù 43,2 tỷ USD, cao hơn năm 2009 1,6 tỷ USD. Để tối đa hóa lợi nhuận, các nhà sản xuất đã đẩy giá thuốc lá tại các nước giàu lên cao (khoảng 9,6 USD/bao thuốc), trong khi bán với giá bèo ở các quốc gia đang phát triển. Ngoài khoản tiền khổng lồ từ việc bán thuốc lá, các công ty còn làm giàu bằng việc trốn thuế.
Theo Cơ quan chống gian lận thương mại Anh, năm 2010, họ đã phát hiện hàng chục nhà sản xuất, nhà bán lẻ tại Anh trốn thuế. Một trong những nhà sản xuất trốn thuế bị xử phạt nặng nhất là Imperial Tobacco, bị nộp phạt là 184 triệu USD. Tuy nhiên, so với khoản lợi nhuận thu về trong năm 2010 lên đến hơn 7 tỷ USD, số tiền này chỉ như muối bỏ bể.
Nỗ lực nói “không” với thuốc lá
Chính phủ Australia ngày 7-4 vừa qua đã công bố dự luật được coi là chặt chẽ nhất thế giới, quy định việc đóng gói bao bì thuốc lá, nghiêm cấm in biểu tượng, nhãn hiệu và chữ quảng cáo trên bao thuốc, trong khi tên sản phẩm sẽ chỉ được in tại vị trí ở mặt trước và trên nền các màu quy định. Dự luật mới này, dự kiến có hiệu lực vào năm 2012, bắt buộc các công ty sản xuất thuốc lá phải in những cảnh báo về y tế với diện tích 75% ở mặt trước và 90% ở mặt sau bao thuốc.
Uruguay là quốc gia đầu tiên tại khu vực châu Mỹ Latinh tuyên chiến với thuốc lá. Năm 2006, Uruguay đã ra lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng, những ai vi phạm sẽ bị xử phạt 100 USD. Các bao thuốc phải có các cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.
Còn tại Mỹ, Thị trưởng TP New York Michael Bloomberg mới đây đã ký một đạo luật cấm hút thuốc lá tại 1.700 địa điểm ngoài trời của TP, những người vi phạm sẽ bị phạt 50 USD. Trước đó, 60 trường ĐH của Mỹ cũng đã cấm hút thuốc tại khuôn viên các trường. Nhiều chính phủ ở châu Âu, châu Á cũng đã áp dụng nghiêm luật cấm hút thuốc nơi công cộng, trường học, công sở, cấm hình ảnh hút thuốc trên phim…
Dự kiến, năm nay, WHO sẽ thống nhất Hiệp ước kiểm soát thuốc lá nhằm hạn chế hết mức có thể hậu quả của thuốc lá trong đời sống.
Đỗ Văn