Vụ cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh vừa bị phát hiện có nhiều sai sót, bên cạnh những vấn đề về nội dung thì một yếu tố được chú ý đến nhất là qua vụ việc này đã bộc lộ một trong những căn bệnh trầm kha, nghiêm trọng, có thể coi là đứng đầu trong những yếu tố kéo lùi nền xuất bản Việt Nam trong những năm qua, đó là tình trạng vi phạm bản quyền trong xuất bản.
Nát như tương
Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã chính thức xác nhận cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh bản in năm 2001 không phải do đơn vị này thực hiện hay cấp giấy phép cho bất kỳ đối tác nào để thực hiện cuốn sách trên. Như vậy, về mặt hình thức có thể coi như mọi việc tạm thời ngã ngũ nhưng đằng sau đó vụ việc này lại một lần nữa phô bày sự hỗn loạn của ngành xuất bản Việt Nam trong vấn đề quản lý xuất bản, nhất là trong việc bảo đảm quyền tác giả.
Khi vụ việc cuốn từ điển trở nên ầm ĩ, NXB Trẻ cử người đi tìm kiếm cuốn sách trên thị trường thì bất ngờ phát hiện sách gắn tên NXB Trẻ thì không thấy nhưng lại thấy cũng cuốn sách này nhưng có đến ba bản khác nhau do ba NXB thực hiện gồm NXB Thanh niên, Văn hóa Thông tin và gần đây nhất, phiên bản in năm 2013 gắn tên NXB Hồng Đức. Với mỗi NXB lại đi kèm một đơn vị liên kết khác nhau và dĩ nhiên nội dung của cả ba cuốn sách hoàn toàn giống nhau kể cả… những chỗ sai sót. Đây được xem là một điển hình của việc “xào sách” của nhau thường thấy ở giới làm sách trong nước.
Các phiên bản sách Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh bị thu hồi.
Cũng trong thời gian vừa qua, đã diễn ra một vụ việc “cười ra nước mắt” liên quan đến quyền tác giả. Số là một tác giả sau khi viết sách đã ký hợp đồng liên kết xuất bản với một doanh nghiệp làm sách, số sách sau đó được in trên danh nghĩa là 1.000 cuốn/tập và đơn vị làm sách đã thanh toán tiền nhuận bút cho tác giả theo số sách in này. Thế nhưng, cuối năm 2013 tác giả này tình cờ thấy sách mình được tái bản với một câu được in trên trang bìa: “Trên 15.000 bản đã được bán hết”. Thế là tác giả khởi kiện đơn vị làm sách với hai nội dung: bán đến 15.000 bản mà chỉ trả tiền nhuận bút 1.000 bản và in thêm sách không xin phép tác giả. Vừa qua, Tòa án Nhân dân TPHCM đã buộc đơn vị làm sách phải bồi thường cho tác giả với số tiền 150 triệu đồng nhuận bút và 5 triệu đồng vì in thêm sách không thông báo tác giả. Từ vụ việc này đã cho thấy sự chênh lệnh giữa số bản in thực tế với số bản in danh nghĩa và không phải lúc nào đơn vị làm sách cũng “sơ suất” để lộ số sách bán ra thực tế như trên để tác giả biết và đòi quyền lợi.
Hậu quả nguy hiểm
|
Vụ cuốn sách từ điển không chỉ dừng lại như trên, theo phát hiện của giới sưu tầm sách thì cuốn sách này nguyên gốc được xuất bản tại miền Nam từ năm 1971. Một tác phẩm in từ trước giải phóng, 30 năm sau được in và phát hành ra thị trường nhưng không biết tác giả là ai, không duyệt nội dung (vì nếu có duyệt thì một người bình thường cũng không thể chấp nhận một tác phẩm như thế) và thậm chí là còn không biết ai xuất bản, in ấn. Và nếu cuốn sách không bị phát hiện thì sẽ vẫn tiếp tục nằm trên kệ sách và rất có thể sẽ lại được một đầu nậu sách nào đó lại tiếp tục “xào” để đưa ra thị trường như một “tác phẩm mới”, gây hại cho bạn đọc.
Trước đó, dư luận cũng đã lên tiếng về vụ việc sao chép sửa chữa và xuất bản công trình nghiên cứu của một học giả nổi tiếng đã mất. Công trình này đã được trao giải thưởng cấp nhà nước như một chỉnh thể nguyên vẹn, thế nhưng một đơn vị xuất bản khác đã tự ý lấy ra chỉnh sửa lại để xuất bản thành một ấn bản mới. Việc sửa chữa này đã làm mất đi tính nguyên bản của công trình nghiên cứu nhưng vẫn đề tên ông, điều này sẽ gây hệ lụy nặng nề khi các thế hệ sau này tham khảo, đối chiếu sẽ không biết đâu mới đúng là chủ ý của tác giả. Thậm chí, nó còn có thể gây sai sót cho các công trình nghiên cứu khác nếu lấy phải tư liệu từ bản in sai này.
Chờ một đơn thuốc
Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được đúng 10 năm (2004). Cần phải nhìn nhận khách quan rằng việc gia nhập công ước này đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi bộ mặt ngành xuất bản trong nước theo hướng tích cực hơn. Các đơn vị làm sách đầu tư mạnh về chất lượng sách từ hình thức đến nội dung, các hoạt động quảng bá, giao lưu được chú trọng… Thế nhưng, chỉ vì không thể ngăn chặn hiệu quả việc vi phạm bản quyền sách đã khiến các đơn vị làm ăn chân chính phải giảm bớt việc đầu tư nhằm tránh tổn thất về kinh tế.
Cũng trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã nhiều lần thay đổi luật xuất bản, nghị định, thông tư, hướng dẫn… nhằm tăng cường khả năng chống sách lậu, sách vi phạm bản quyền nhưng thực tế hiệu quả không lớn. Một trong những nguyên nhân nằm ở việc các đơn vị quản lý xuất bản còn quá chậm trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Điển hình như vụ cuốn từ điển vừa qua, cho đến nay thông tin nhiều bản in cuốn sách này đang có trên thị trường nhưng chưa có bất cứ biện pháp xử lý nào của cơ quan chức năng, dù rằng chỉ tính về nội dung của cuốn sách này thì đã có đủ lý do để sách bị thu hồi, đồng thời phạt các đơn vị xuất bản có liên quan.
|
TƯỜNG VY