

Có một tỷ lệ nghịch là trong khi số lượng ô tô, xe máy đăng ký, đưa vào sử dụng ngày một tăng thì doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe lại sụt giảm. Điều này không chỉ khiến biểu đồ tăng trưởng của loại hình bảo hiểm này tụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay mà còn cho thấy sự thiếu hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này. Vì sao?
Từ lâu Bảo Việt luôn được coi là một “đại gia” trong lĩnh vực này, với trên 50% thị phần thị trường bảo hiểm xe cơ giới. Thế nhưng, năm qua doanh nghiệp này chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng 3%, một kết quả quá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 27% của năm 2005. Tương tự, mức doanh thu của Pjico cũng chỉ bằng 82% so với năm 2005. Còn Bảo Minh tăng trưởng 12% trong khi năm 2005, con số này là 37%. Năm 2006, riêng Bảo Việt giảm 4 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm xe máy, tương đương khoảng 20.000 xe máy không mua bảo hiểm. Tính chung trên tổng số phương tiện đang tham gia giao thông, ước tính lượng xe máy còn tham gia bảo hiểm chỉ khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này ở ô tô là trên 80%.
Theo ông Đinh Quang Tấn, Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới Bảo Việt, năm qua thị trường bảo hiểm xe cơ giới chịu nhiều ảnh hưởng khách quan từ các chính sách, chế độ quản lý. Quy định tạm ngừng mua sắm xe công khiến số lượng ô tô con đăng ký mới không còn tăng tốc như những năm trước. Đồng thời, triển khai Nghị định 23/2004/NĐ-CP về loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng, tính đến tháng 2-2006, cả nước có gần 25.000 ô tô tải, chở người ngừng hoạt động. Đương nhiên, lượng xe này không tiếp tục mua bảo hiểm.
Với bảo hiểm xe máy, từ khi Thông tư 17/2004/TT-BCA của Bộ Công an quy định không cần thiết phải có giấy chứng nhận bảo hiểm trong hồ sơ đăng ký xe máy, các chủ xe đăng ký mới cũng bỏ qua luôn loại hình bảo hiểm này. Còn trên thực tế, lực lượng CSGT cũng không kiểm tra, xử phạt chủ xe tham gia giao thông không có bảo hiểm nên người mua bảo hiểm sụt giảm nhiều. Thêm vào đó là sự xuất hiện của một số doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này như VASS, AAA... khai thác thị trường mới bằng mọi hình thức khuyến mãi, hạ giá... khiến các doanh nghiệp cũ gặp nhiều khó khăn.
Có một thực tế là các chủ xe máy ở Việt Nam chưa có thói quen mua bảo hiểm. Họ chỉ mua để đăng ký xe vì bắt buộc phải có. Trong quá trình lưu thông, lực lượng CSGT cũng kiểm tra, xử phạt lỗi vi phạm này chưa triệt để nên tỷ lệ tái bảo hiểm rất thấp, chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, bảo hiểm xe cơ giới “tụt dốc” còn vì những lý do chủ quan từ chính doanh nghiệp. Do coi đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc, nên doanh nghiệp bảo hiểm thường thụ động, chỉ trông chờ cơ quan chức năng “bắt” hộ khách hàng ở những điểm đăng ký xe, nộp phí trước bạ, mà không tổ chức tuyên truyền, mở rộng thị trường.
Ngay khi bán hàng, các nhân viên bảo hiểm cũng không hề tư vấn, giải thích cho khách hàng hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm. Thêm vào đó, “mua bảo hiểm thì dễ, đòi bồi thường thì khó”. Khi gặp sự cố, TNGT, phần lớn khách hàng đều gặp rất nhiều khó khăn để hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường với hàng chục loại giấy tờ như biên bản vụ việc của công an, giám định của cơ quan bảo hiểm, hồ sơ bảo hiểm, đơn xin bồi thường... Thời gian chi trả bồi thường nhanh nhất cũng là vài tháng, không ít trường hợp kéo dài vài năm.
Còn một thực trạng nữa, là đa số chủ xe vì khả năng tài chính hạn hẹp nên không có khả năng đền bù cho nạn nhân khi TNGT xảy ra, nên rất nhiều người bị nạn đã mất đi cơ hội được bồi thường. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp không chỉ nên trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước mà phải có những phương thức phù hợp tiếp cận với thị trường, nâng cao chất lượng cũng như sự hấp dẫn “sản phẩm” để thu hút được khách hàng.
NGUYỄN HOÀNG