Vì sao dễ “hết pin” khi mãn kinh?

Không cần “bới lông tìm vết” cũng biết đa số phụ nữ khó “vui” khi bước vào tuổi mãn kinh! Bằng chứng là hầu như đối tượng nào cũng gặp trục trặc với huyết áp, không cao thì thấp, hoặc dao động thất thường!

Không cần “bới lông tìm vết” cũng biết đa số phụ nữ khó “vui” khi bước vào tuổi mãn kinh! Bằng chứng là hầu như đối tượng nào cũng gặp trục trặc với huyết áp, không cao thì thấp, hoặc dao động thất thường!

Mãn kinh là giai đoạn cực kỳ phức tạp trên cả hai mặt tâm thể của nạn nhân. Nếu cơn bốc hỏa khiến nạn nhân dễ bị đồng hóa với quạu quọ, phấn khích thì mặt khác, nhiều nạn nhân hiểu rõ hơn ai hết về tình trạng khó nói, về cảm giác buồn chán - thậm chí thường khi vô cớ - với tất cả, với cuộc sống, với công việc, với phòng the…

Không có gì khó hiểu từ khi các nhà nghiên cứu về mãn kinh phát hiện mối liên hệ giữa tình trạng thiếu hụt nội tiết tố giới tính với rối loạn năng tuyến giáp. Đó là lý do tại sao không dưới 40% người mãn kinh có huyết áp “là đà ngọn cỏ”, đi kèm với cảm giác của những cơn ớn lạnh bất chợt tận trong xương, cho dù thời tiết bên ngoài oi bức, nguyên nhân vì thiểu năng tuyến giáp. Số còn lại có huyết áp với khuynh hướng bắt chước vật giá, có nghĩa hở chút là vọt lên, đi kèm với cảm giác nóng mặt, sợ nóng đến độ kỵ cả với món ăn, thức uống nóng, vì tuyến giáp hoạt động cường điệu. Cả hai nhóm có một điểm chung là đều mau “hết pin” khi cần “nạp điện”!

Đó cũng chính là lý do tại sao trong y học dân gian, cây thuốc gọi là “điều kinh” bao giờ cũng có tác động điều chỉnh trên chức năng của tuyến giáp. Hiệu năng này càng toàn diện hơn nếu được kết hợp với chế độ dinh dưỡng chú trọng vào isoflavon trong đậu nành, chất có cấu trúc tương tự nội tiết tố của phái nữ. Càng khéo hơn nữa nếu nạn nhân được điều trị sớm với cây thuốc để vừa ổn định nội tiết tố vừa cải thiện biến dưỡng cơ bản, như đương qui, ích mẫu, thục địa…

Thành phần phytosterol trong cây thuốc thiên nhiên dành tặng cho phụ nữ vừa trì hoãn tiến trình suy giảm estrogen và progesteron, vừa điều chỉnh chức năng của tuyến giáp, nên người mãn kinh không rơi vào tình trạng bất ngờ thiếu hụt năng lượng, nhờ đó bớt đau đầu, chóng mặt.

Nếu tưởng thiếu hụt nội tiết tố nữ tính chỉ tác động trên hệ nội tiết sinh dục và dẫn đến hậu quả tại chỗ như lãnh cảm vì khô âm đạo, viêm bàng quang… thì đúng là thiếu sót. Thiếu nội tiết tố nữ tính là đòn bẩy cho nhiều trục trặc như:

* Rối loạn chức năng tư duy thể hiện qua triệu chứng đãng trí, dễ cáu gắt, lo sợ vô cớ, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và giảm ham muốn tình dục.

* Da mau nhăn, dễ rạn nứt vì tiến trình tổng hợp collagen dưới da bị ức chế.

* Loãng xương do tiến trình hủy xương nhanh hơn công đoạn tạo xương và thải canxi qua đường tiểu, khiến nạn nhân vừa thiếu vôi trong mô xương vừa dễ bị sỏi tiết niệu.

* Dị ứng nhưng không thuyên giảm với thuốc chống dị ứng thông thường.

Hội chứng mãn kinh không hề khu trú trong hệ tiết niệu sinh dục theo định kiến hễ đau đâu chắc bệnh gần đó. Trái lại, đó là hệ quả của rối loạn trên trục thần kinh trung ương - thần kinh thực vật - hệ nội tiết. Thuốc điều trị mãn kinh, dù với cấu trúc hóa chất tổng hợp hay từ dược liệu thiên nhiên, muốn có tác dụng toàn diện và lâu dài, phải tác động trên tuyến yên để qua đó xuất phát tín hiệu điều chỉnh nội tiết tố.

Chữa mãn kinh mà chỉ tập trung vào “cơ sở hạ tầng” chẳng khác nào “chữa cháy” cầm canh dù biết rõ sớm muộn cũng “cháy” sạch!

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục