
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ đã tái tạo lại trong phòng thí nghiệm một trong những dòng virus cúm nguy hiểm nhất: virus cúm Tây Ban Nha - nguyên nhân gây tử vong 50 triệu người trong đại dịch cúm năm 1918 - 1919. Cũng từ việc tái tạo này, các nhà khoa học đã phát hiện virus cúm Tây Ban Nha có nguồn gốc từ cúm gia cầm và có chung các đột biến gien với cúm gia cầm H5N1 hiện nay. Đây được coi là phát hiện quan trọng, có ích cho việc hiểu rõ thêm cơ chế, đặc điểm gây bệnh và trên cơ sở đó tìm ra thuốc chữa hữu hiệu nhất.
- Cúm Tây Ban Nha - đại dịch lớn nhất lịch sử nhân loại

Bệnh xá ở Mỹ quá tải vì bệnh nhân nhiễm virus cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 do virus cúm H1N1, một chủng cúm gia cầm bất thường và nguy hiểm gây ra. Đây là đại dịch gây chết người nhiều nhất từng được biết tới trong lịch sử nhân loại. Nó được ghi vào lịch sử với tên dịch cúm Tây Ban Nha vì dịch bệnh này nhận được sự chú ý của báo chí ở Tây Ban Nha nhiều hơn ở các nước khác, và Tây Ban Nha là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 8 triệu người chết chỉ riêng trong tháng 5 năm 1918.
Dịch xảy ra vào mùa thu năm 1918 khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất sắp kết thúc. Ban đầu người bệnh chỉ có những biểu hiện “lành” của chứng cảm lạnh thông thường như ho, hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, người ta sớm nhận thấy đó không phải là cảm lạnh. Nguồn gốc của biến chủng cúm này cho đến nay vẫn chưa được biết chính xác. Người ta cho rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc do sự trao đổi gien hiếm gặp của virus cúm. Sự tái tổ hợp của các protein trên bề mặt của nó đã tạo ra một virus mới và làm suy yếu hệ miễn dịch ở người.
- Nghiên cứu mới nhất về virus cúm Tây Ban Nha
Sau đại dịch năm 1918, virus cúm Tây Ban Nha dường như biến mất nên các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập 8 loại gien để nghiên cứu. Tình cờ, các nhà nghiên cứu tìm được 5 gien trong mô phổi của nạn nhân cúm Tây Ban Nha tại miền Đông Alaska, còn 3 gien kia thì do Ủy ban nghiên cứu gien nhân loại Mỹ tìm thấy khi phân tích gien virus cúm thường. Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ đã “ép” 8 gien virus cúm Tây Ban Nha để chúng kết hợp thành nhóm gien virus hoàn chỉnh, sau đó đưa nhóm gien này vào tế bào người và động vật để chúng tạo ra protein HA, tái tạo virus cúm hoàn chỉnh.
Để nghiên cứu về cơ chế gây bệnh của virus cúm Tây Ban Nha, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh virus cúm vừa tái tạo với virus cúm gia cầm và virus cúm thường ở người. Phát hiện cho thấy: virus cúm Tây Ban Nha vừa có thể gây bệnh ở người và chuột thí nghiệm vừa có khả năng lây bệnh và giết chết phôi gà, đây là đặc tính mà cả H1N1 và virus cúm thường đều không có. Có 2 nguyên nhân khiến virus cúm Tây Ban Nha có khả năng truyền bệnh cao hơn các loại khác: Một là, protein HA của virus cúm Tây Ban Nha rất nguy hiểm, có khả năng gây viêm nhiễm nghiêm trọng đối với tế bào phổi người; hai là, virus cúm Tây Ban Nha có khả năng tái tổ hợp và kháng thuốc cao hơn các loại khác.
Các nhà khoa học cũng tiến hành so sánh các biến thể gien của virus cúm năm 1918 với các biến thể của virus cúm gia cầm H5N1 hiện nay và phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 bắt đầu xuất hiện một số thay đổi giống với những thay đổi trong các mẫu biến thể của virus cúm năm 1918. Ngoài ra, họ còn xác định được protein HA trong các chủng virus cúm H5N1 và virus cúm năm 1918 chính là loại protein nguy hiểm có khả năng giúp virus xâm nhập và phát triển bên trong tế bào phổi. Các nhà khoa học cho rằng virus cúm sẽ không còn nguy hiểm nếu như loại protein HA của chúng bị thay thế.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 là hầu hết nạn nhân đều ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi, những người mạnh khỏe bình thường chứ không phải những người yếu đuối như người già, trẻ em. Tỷ lệ tử vong do cúm và viêm phổi trong năm 1918 ở nhóm tuổi từ 15 đến 34 cao gấp 20 lần so với năm trước đó. Người ta có thể mắc bệnh ngay trên đường đi làm và chết sau đó chỉ vài giờ. Hầu hết bệnh nhân đều bị ho, sổ mũi, sốt nhẹ, phổi bị ứ huyết nặng nề.
VIỆT ANH
Dịch cúm châu Á 1957 – 1958 và 1968 – 1969 TRƯỜNG SƠN |