Vì sao?

Chưa đầy 24 giờ sau khi các tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công khủng bố hàng loạt tại Paris tàn sát 129 người dân, Tổng thống Pháp François Hollande gọi các cuộc tấn công này là “hành động chiến tranh”.

Chưa đầy 24 giờ sau khi các tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công khủng bố hàng loạt tại Paris tàn sát 129 người dân, Tổng thống Pháp François Hollande gọi các cuộc tấn công này là “hành động chiến tranh”.

 Ông sử dụng cụm từ này với mong muốn nhắc lại Điều 5 của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên còn lại. Trong lịch sử, Điều 5 từng được kích hoạt sau sự kiện 11-9 ở Mỹ. Nhiều nhà quan sát cho rằng, các vụ tấn công khủng bố hàng loạt ở Paris không thua gì sự kiện 11-9 ở Mỹ. Tuy nhiên, lần này NATO đã... không làm gì. Không có cuộc họp khẩn cấp nào của NATO. Mặc dù các thành viên chủ chốt của NATO cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng không hề nhắc tới Điều 5.

Vì vậy, theo trang mạng The Daily Beast (Mỹ), các cuộc không kích của Pháp nhắm vào IS tại Raqqa, Syria đêm 15-11 là hành động của một mình Pháp trên danh nghĩa có sự hỗ trợ của tình báo Mỹ. Trong khi đó, các thành viên còn lại của NATO đều án binh bất động. Riêng Canada vẫn không thay đổi quyết tâm rút máy bay chiến đấu của nước này khỏi liên minh không kích IS. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và là ứng cử viên tổng thống Marco Rubio ngay sau các cuộc tấn công ở Paris nói với Truyền hình ABC của Mỹ: “Đây rõ ràng là một hành động chiến tranh và một cuộc tấn công vào một trong những đồng minh NATO và chúng ta nên kích hoạt Điều 5 của NATO để cùng nhau đối đầu với thách thức này”. 

Trong cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16-11, rõ ràng là Mỹ không có cam kết nào cụ thể hợp tác với Pháp tăng cường chống IS và Chính quyền của Tổng thống Obama một lần nữa được cho là thiếu quyết đoán trong các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Ngoài NATO, Pháp cũng có thể dựa vào Điều 42.7 của Hiệp ước Lisbon trong Liên minh châu Âu (EU). Điều khoản này chưa bao giờ được sử dụng mặc dù nó được xem là để biểu thị tình đoàn kết của các quốc gia thành viên EU khi họ có “nghĩa vụ giúp đỡ và hỗ trợ bằng tất cả các phương tiện trong khả năng của mình nếu có thành viên khác bị xâm lược vũ trang”. Trang Daily Beast chua chát nhận định: Điều này chỉ nhấn mạnh sự yếu kém của các cam kết quốc tế trong việc hỗ trợ Pháp trong thời khắc nước này đang rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ngay trong lòng châu Âu, trong các thành viên NATO lẫn EU đều còn nhiều ý kiến khác biệt. Đức - nước lớn nhất trong EU hiện vẫn còn phân vân về việc đưa quân đội tham gia liên minh chống IS. Theo tờ Wall Sreet Journal, nhiều quan chức Đức, trong đó có cả Thủ tướng Angela Merkel cho rằng tiến trình hòa bình cho Syria vẫn còn bế tắc nên chiến lược chung chống IS vẫn chưa có và hơn nữa, Đức sẽ chỉ tham gia một liên minh quân sự chống IS khi được Liên hiệp quốc phê chuẩn. Thủ tướng Merkel nói tại Hội nghị thượng đỉnh G20: “Chúng tôi hy vọng có một kế hoạch chiến đấu chống IS càng mạch lạc và càng nhiều sự thống nhất giữa các lực lượng khác nhau càng tốt. Chúng tôi muốn biết rõ ràng những gì chúng tôi được phân công”. Hiện Đức chỉ dừng lại ở mức độ huấn luyện cho các tay súng người Kurd ở Iraq chiến đấu chống IS. Trong khi đó, nhiều thành viên Đông Âu mới gia nhập NATO và EU không xem IS là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh châu Âu.


THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục