Vị tướng viết văn

Tay súng, tay bút là hình ảnh tiêu biểu một thời của nhiều nhà văn Việt Nam trong chiến tranh cứu nước và có những vị tướng cũng là nhà văn. Riêng Nam bộ, nếu miền Đông có Huỳnh Văn Nghệ thì miền Tây có Bùi Cát Vũ.
Vị tướng viết văn

Tay súng, tay bút là hình ảnh tiêu biểu một thời của nhiều nhà văn Việt Nam trong chiến tranh cứu nước và có những vị tướng cũng là nhà văn. Riêng Nam bộ, nếu miền Đông có Huỳnh Văn Nghệ thì miền Tây có Bùi Cát Vũ.

Là tướng chiến trường, Bùi Cát Vũ đồng thời còn là cây bút viết nhiều tác phẩm giá trị, trong đó thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh nóng hổi mùi chiến trận từng gây tiếng vang. Về sau, cuốn tự truyện viết cho thiếu nhi Gió bụi Sài Gòn của ông cũng gây ấn tượng, được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

Tay súng - tay bút

Đầu năm 1979, ngay sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 đánh tan quân Khmer Đỏ, tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ đã tranh thủ lúc rảnh rỗi viết ngay thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh và gửi về đăng nhiều kỳ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhiều tư liệu quý từ cuộc chiến này đã được cây bút tài hoa của ông ghi lại, chia sẻ một cách trung thực, khách quan và đầy cảm xúc. Chẳng hạn như bản nghị quyết của chế độ Pol Pot coi Việt Nam là “kẻ thù số 1” do một sĩ quan hàng binh Khmer Đỏ trao lại, trong đó có những nhận định, đánh giá, kế hoạch tấn công của họ đối với đất nước chúng ta.

Nhờ tác phẩm Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ mà người đọc kịp thời hiểu sâu hơn tình hình của xứ sở Ăngkor cũng như hành trình vượt qua thử thách ác liệt, tinh thần chiến đấu quả cảm và nhân văn của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ông cảm nhận: “Phnôm Pênh rộng đến 20km², trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pol Pot cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt, chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pol Pot cũng bỏ tên đường phố… Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Đi giữa Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh. Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch…”.

Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ với những kỷ vật thời chiến.

Ở một đoạn khác, ông cho biết một cách giản dị mà sâu sắc về cách ứng xử văn hóa của quân tình nguyện Việt Nam trước các công trình nghệ thuật và cơ sở vật chất của đất nước bạn như chính của Tổ quốc mình: “Hồi trưa này, tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này”.

Ký sự Đường vào Phnôm Pênh của nhà văn Bùi Cát Vũ đã ghi dấu ấn của một tài năng tay súng tay bút mang đậm phong cách Nam bộ. Trong phần cuối của tác phẩm mang hơi thở chiến trường này, ông còn xác tín: “Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tính chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiếc lược 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”.

Tấm huân chương chiến công thầm lặng

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá cao thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh cũng như tự truyện Gió bụi Sài Gòn viết cho thiếu nhi sau này của nhà văn Bùi Cát Vũ. Và chính nhờ sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cách nay tròn 20 năm, cũng vào những ngày tháng Tư lịch sử, tôi đã tìm ra nhà riêng của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ bên sông Sài Gòn ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới để được nghe ông tâm tình về hành trình cuộc đời phong phú hiếm có của mình.

Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ cho biết, ông tham gia làm báo, viết văn từ hồi còn thiếu niên và làm cách mạng, làm người lính cũng rất sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Phía sau ánh đèn điện viết năm 15 tuổi khi đi phát hành báo Dân chúng, được ông Trần Thanh Mại góp ý, về viết lại, đổi tựa thành Gió bụi Sài Gòn và đăng trên báo này. Mấy mươi năm sau, thấy rất cần sách văn học cho thiếu nhi, ông đã viết một cuốn tự truyện cũng lấy tên là Gió bụi Sài Gòn xuất bản vào năm 1993.

Dù thời trẻ Bùi Cát Vũ chỉ có một năm viết và phát hành báo nhưng có tác động quan trọng đến cả cuộc đời ông. “Tôi được sống và viết lách chung với những bậc thầy như Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mại. Tôi học được ở các vị ấy rất nhiều, từ cách lấy tin tức, đến viết phóng sự, truyện ngắn... Rồi khi tờ báo Dân chúng bị đóng cửa, vào tù, tôi được tiếp xúc với nhiều bậc trí thức lớn nữa như: Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng đó là những trí thức yêu nước chân chính, biết được nỗi nhục mất nước và tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc”, ông cho biết.

Trên mỗi bước đường chinh chiến, Bùi Cát Vũ không bao giờ ngưng ngòi bút của mình. Thời gian ở trong rừng, nhất là mỗi dịp xuân về tết đến, ông đều có bài viết được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, những tác phẩm có giá trị của ông gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc đã ra mắt bạn đọc, như: Quê hương, Đường vào Sài Gòn, Trong rừng sâu chiến khu Đ… Ông tâm sự: “Mỗi tác phẩm được đến với độc giả, thính giả đối với tôi là một tấm huân chương chiến công thầm lặng. Khi đứng trước những sự kiện lịch sử lớn lao của nhân dân, của bản thân mình, tôi nghĩ rằng đến cây gỗ mục cũng phải rung động huống chi tôi là con người, mà lại là người biết viết, ham viết nữa! Cái máu ấy nó đeo đẳng tôi từ thuở nhỏ. Mà những cái hay, cái đẹp của con người, của đất nước, của tình đồng đội, nếu không viết thì không ai biết và cũng chẳng để lại được gì cho đời sau”.

Thiếu tướng Bùi Cát Vũ có biệt danh “Võ Tòng chiến khu Đ” hay “Trùm đại bác Đông Dương”, vì ông từng chỉ huy chế tạo bom mìn đánh Pháp và diệt cọp. Sang thời chống Mỹ ông lại chỉ huy pháo binh vượt Trường Sơn sang biên giới Lào - Campuchia phối hợp với bạn tác chiến. Từng tham gia chỉ huy hàng trăm trận đánh trên chiến trường, nhưng tên tuổi Thiếu tướng Bùi Cát Vũ thường được nhắc tới gắn liền với hai trận đánh lịch sử La Ngà và Xuân Lộc đều ở miền Đông Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến.

Sau khi giải quyết “cánh cửa thép” Xuân Lộc và những cứ điểm khác mờ sáng 30-4-1975, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ tức tốc ra lệnh cho đơn vị gồm 4 xe tăng từ khu Hố Nai trực chỉ Sài Gòn. Vị tướng nhớ lại: “Tôi hết sức vui mừng được trở về Sài Gòn mà mình gắn bó từ thời niên thiếu và trước khi bắt đầu con đường binh nghiệp. May mắn còn sống sót sau cuộc chiến tranh ác liệt đã là điều đáng mừng. Ngay trước cửa hòa bình, nhiều chiến sĩ của ta còn phải hy sinh ở Xuân Lộc, Biên Hòa, Sài Gòn. Càng nghĩ tôi càng đau xót”.

Đáng ngạc nhiên, Bùi Cát Vũ là vị tướng đầu tiên xin về hưu để được… viết văn. Điều này được nhiều đồng đội của ông xác nhận. Chính ông cũng tâm sự với tôi: “Thật tình thì sau khi miền Nam được giải phóng, tôi nhiều lần xin về nghỉ để dành phần đời còn lại cho công việc viết lách. Nhưng các anh ở trên không đồng ý”.

Tuổi xuân dặm dài trên mọi ngả đường chinh chiến. Khi tuổi xế chiều mới có dịp điền viên cùng vợ con văn chương chữ nghĩa. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ đã qua đời ở tuổi 78, vào tháng 3-2002 tại TPHCM, để lại một sự nghiệp nhiều dấu ấn đáng trân trọng về khoa học, nghệ thuật quân sự và sáng tác văn học.

Thiếu tướng Bùi Cát Vũ sinh năm 1924 ở Trà Vinh, lớn lên trong tình thương của người mẹ nghèo góa bụa. Ông sớm phải vừa học vừa làm thuê kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Tuổi thơ gian khổ đưa ông đến với cách mạng, trở thành một tướng lĩnh từng sát cánh cùng Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy trận La Ngà lừng danh lịch sử. Về sau ông là Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 cùng với tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 sang giúp nước bạn thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, rồi trở về nước nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục