Việc khiếu nại bản án lao động có hiệu lực pháp luật

Hỏi: Tôi là bị đơn trong vụ án lao động đã được Tòa Lao động TAND TPHCM xử sơ thẩm. Tháng 9-2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm. Vậy, thời hạn gửi bản án phúc thẩm là bao lâu? Nếu quá hạn, tôi chưa nhận được bản án thì bản án còn giá trị không? Nếu muốn khiếu nại bản án phúc thẩm, thủ tục ra sao? Lâm Nguyên Vũ (quận 1)

Trả lời: Pháp luật về tố tụng lao động vào thời điểm tháng 9-2004 quy định: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và được sao gửi cho đương sự, đại diện người sử dụng lao động; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và Viện Kiểm sát trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra bản án. Nhưng việc gửi bản án có hiệu lực pháp luật chậm trễ cho các đương sự không làm mất giá trị của bản án. Về nguyên tắc, đương sự nếu chưa nhận được bản án- có quyền yêu cầu phải nhận được bản án để biết rõ và chấp hành.

Pháp luật hiện hành quy định: Bản án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau: có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Bản án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau: mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được khi giải quyết vụ án; có cơ sở chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng nguyên văn hoặc có giả mạo chứng cứ; thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà tòa án dựa vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

Từ căn cứ trên, anh có thể làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao (vì bản án có hiệu lực pháp luật của anh do Tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên xử) để những người này xem xét có ra quyết định kháng nghị hay không. Nếu có quyết định kháng nghị, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thường không có sự tham dự của các đương sự và luật sư, trừ trường hợp tòa thấy cần thiết. Nhưng các đương sự và luật sư có thể trình bày ý kiến, lập luận bằng văn bản gửi cho Hội đồng thẩm phán xem xét.

Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng nghị tái thẩm là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị. Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có thể tuyên xử: không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án có hiệu lực pháp luật; giữ nguyên bản án đúng pháp luật của tòa án cấp dưới đã bị án phúc thẩm hủy hoặc sửa; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao xét xử lại sơ thẩm hoặc phúc thẩm... 

Luật sư PHẠM QUỐC HƯNG
 

Tin cùng chuyên mục