(SGGPO).- Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là chủ đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng nay, 22-5.
Tại Đoàn ĐBQH TPHCM, bày tỏ nhất trí cao với đề xuất sửa đổi điều luật này của Chính phủ, ĐB Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra phân tích cụ thể: trường hợp một công nhân lành nghề, lao động lâu năm, đến khi về hưu chỉ được nhận chưa đầy 1 triệu đồng/ tháng. “Phải chờ đợi hàng chục năm để nhận khoản tiền ít ỏi không đủ sống như vậy trong khi đời sống lại đang rất khó khăn, thì lựa chọn nhận BHXH một lần của người lao động là chính đáng, không thể không xem xét”, ông nói.
Phát biểu sau đó, ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) nói: Với cương vị công tác của mình (ông Bình là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7 - PV), ông biết đây không phải chỉ là nguyện vọng của công nhân một công ty tại TPHCM, mà là mong muốn của người lao động ở nhiều địa phương, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả giáo viên mầm non, nhân viên y tế… “Lương hưu không đủ một tô phở một ngày thì không thể coi là nguồn thu nhập bền vững để có thể trông cậy vào đó được”, ông Bình nói.
Cho rằng công tác xây dựng pháp luật hiện nay trong nhiều trường hợp là xa rời thực tiễn, mà Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 chỉ là một trong nhiều ví dụ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM góp ý: “Quốc hội cần tạo thêm không gian tranh luận trong quá trình làm luật. Cách thức thảo luận, biểu quyết thông qua các văn bản luật cần được đổi mới. Tôi thấy việc chỉ thông qua một vài điều luật – có khi lại không phải là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau – rồi sau đó thông qua toàn văn dự luật là chưa đảm bảo cân nhắc, tiếp thu hết mọi ý kiến xác đáng của ĐBQH”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, “công nhân phản ứng do chưa được tuyên truyền, thuyết phục đúng mức” chỉ đúng một phần, chưa thấy hết được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là quy định không hợp lý. “Ở đây phải công nhận rằng bản chất của vấn đề là chính sách chưa tốt”, bà nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề xuất Quốc hội quan tâm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật dự án Luật về tiền lương tối thiểu; xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Theo bà, mặc dù Quốc hội khóa XIII không còn đủ thời gian để làm xong các luật này, nhưng cần đưa vào Chương trình để Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại tổ trong phiên thảo luận sáng nay, 22-5. Ảnh: Lã Anh
Kiến nghị sửa đổi theo hướng trao quyền cho người lao động lựa chọn có nhận BHXH một lần hay không, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu: “Đây không phải là sửa đổi tạm thời mà có tính lâu dài, không nên dùng từ “trước mắt”. Quốc hội có một phần trách nhiệm khi đã thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã phải rút lại, nhưng khi đã thấy không phù hợp rồi thì phải sửa”.
Đây cũng là quan điểm của ĐB – Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa cũng lưu ý thêm rằng, việc tuyên truyền, giải thích để người dân thấy hết thiệt - hơn trước khi lựa chọn cũng rất cần thiết. Ông Nghĩa đề nghị Quốc hội cần quan tâm lý giải tình trạng số người ra khỏi hệ thống BHXH hàng năm rất lớn; từ đó rà soát lại toàn diện hệ thống pháp luật – không chỉ là Luật BHXH - để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
ANH PHƯƠNG
>> Chính phủ đề xuất sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
>> Tán thành sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014