Từ những ngày đầu chập chững đến tuổi tam thập lập thân với bao thăng trầm, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã luôn miệt mài cải tạo hệ thống thủy lợi, đất đai, phòng chống thiên tại… ở các tỉnh phía Nam. Phía sau sự phát triển của nông nghiệp - nông thôn ở miệt Nam bộ hầu như đều có bóng dáng của viện này.
Khai sinh từ thực tế
Nhận thấy tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên sau ngày miền Nam giải phóng, Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi (KHTL) - Bộ Thủy lợi, đã cử ngay một tổ tiền trạm vào miền đất trù phú này để tìm hiểu các vấn đề về KHTL như ngập lụt, đất chua phèn, đất ngập nước, truyền triều và xâm nhập mặn…
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, năm 1978 Bộ Thủy lợi đã thành lập Phân viện Nghiên cứu KHTL miền Nam trực thuộc Viện Nghiên cứu KHTL, sau đó phát triển thành Viện Nghiên cứu KHTL Nam bộ (1990) và chuyển thành Viện KHTL miền Nam từ năm 1997 đến nay. Năm 1996, khi Nhà nước sắp xếp lại các cơ quan nghiên cứu - triển khai khoa học và công nghệ, viện được công nhận là một trong 42 viện nghiên cứu khoa học trong cả nước.
Hòa nhịp cùng tiến trình đi lên của đất nước nói chung và miền Nam nói riêng, viện cũng từng bước chuyển mình. Gần 5 năm đầu sau khi ra đời, với nhiệt huyết tràn đầy, những cán bộ đầu tiên của viện đều hăm hở đeo ba lô lặn lội với ruộng đồng phương Nam để tìm hiểu quy luật con nước lớn - con nước ròng, cây lúa cần bao nhiêu nước cho mỗi giai đoạn sinh trưởng, cây trồng trên cạn thì cần nước ít hay nhiều, đào kênh mương lớn hay nhỏ để dẫn nước ra vô rửa hết chua phèn cho đất…
Từ những năm đầu đến hết thập kỷ 1980, sau những năm thực địa, những “cựu binh” cùng “tân binh” của viện bắt đầu thể hiện năng lực cần phải có. Nhiều công trình thủy lợi - thủy điện lớn như Dầu Tiếng, Trị An, Trị Yên, Vàm Đồn... đều in dấu chân của họ. Rồi họ cũng là những người đặt những viên gạch đầu tiên hình thành mạng lưới trạm nghiên cứu thủy nông tại các vùng đất đặc thù của Nam bộ như Mỹ Lâm, Tân Thạnh, Láng Biển, Tân Mỹ Chánh, Thủ Đức - TPHCM… Sau giai đoạn này, viện bắt đầu tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu hơn về thủy lợi, chỉnh trị sông rạch, quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai… Đặc biệt, viện còn để lại dấu ấn ở công trình cải tạo đất chua phèn ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, góp phần biến hai vùng đất này thành vựa lúa bạt ngàn.
Trưởng thành nhờ sống với cuộc sống
Những ngày đầu, biết rõ việc canh tác của người dân ĐBSCL và miền Đông Nam bộ phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, các cán bộ của viện đã chuyên tâm vào lĩnh vực thủy lợi cơ bản là thủy nông, cải tạo đất và nghiên cứu môi trường.
Đích ngắm đầu tiên là gần 1,6 triệu ha đất chua phèn của ĐBSCL, chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên, trong đó có Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, là những vùng đất rộng lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Nam bộ. Thành quả là những đồng cỏ lác tồn tại bao thế kỷ đã chỉ còn là ký ức, thay vào đó là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.
Những năm gần đây, bà con trồng lúa ở ĐBSCL đã “sống chung” và “sống khỏe” với nạn xâm nhập mặn, vốn đã gây điêu đứng và thiệt hại lớn nhiều năm trước. Đó là “quả ngọt” từ 15 năm các cán bộ của viện cần mẫn quan trắc và nghiên cứu những biến đổi của môi trường tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, từ các vùng đất hoang hóa ở miền Trung, các vùng chứa chất độc hóa học trong chiến tranh ở lưu vực Trị An, Dầu Tiếng; những tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là diễn biến chua mặn ở ĐBSCL...
Một mảng quan trọng khác phòng chống thiên tai và chỉnh trị sông, viện cũng đạt nhiều thành tựu lớn. Viện đã thành công trong việc nghiên cứu biến đổi lòng dẫn sông Sài Gòn - Đồng Nai; xây dựng kè Vĩnh Long - Sa Đéc; kè Long Toàn - Trà Vinh, Gành Hào - Bạc Liêu; dự báo sạt lở sông Cửu Long, sông Sài Gòn khu vực Thanh Đa, Mương Chuối - Nhà Bè…
Đó là những công trình có ý nghĩa thực tiễn, góp phần hạn chế những thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra. Cùng với những thành tựu đó, viện cũng có những nghiên cứu thành công và đóng góp hiệu quả cho sản xuất, đưa ra các quy trình kỹ thuật đắp đập, bờ bao, địa kỹ thuật tổng hợp phù hợp với nhiều loại nền và đất đặc trưng phục vụ cho hàng loạt công trình thủy lợi và thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL.
Bên cạnh đó, vật liệu và công nghệ mới trong xây dựng thủy lợi cũng là lĩnh vực mà viện gây được nhiều tiếng vang. Viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công công nghệ đập cao su năm 1997 tại Ngọc Khô (Quảng Nam); năm 2000 tại Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), có chiều dài 140m (đây là công trình đập cao su lớn nhất Việt Nam hiện nay). Đến nay, hàng loạt đập cao su gắn “mác” Viện KHTL miền Nam đã hiện diện và thay thế hoàn toàn vật liệu và chuyên gia nước ngoài tại các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Cùng với đập cao su, kết cấu cống lắp ghép bằng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực đã trở thành niềm tự hào của viện khi đoạt được nhiều giải thưởng cấp TPHCM, bộ và Nhà nước. Kết cấu này nhằm hạn chế tối đa việc thu hẹp dòng chảy tự nhiên, kinh phí đầu tư chỉ bằng 20% - 30% so với kết cấu truyền thống có cùng kích thước, thời gian thi công nhanh, phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của các địa phương. Đến nay, kết cấu này đã được ứng dụng ở hàng loạt công trình cống tại các tỉnh phía Nam.
Kỷ niệm 30 năm thành lập, tập thể cán bộ viên chức của viện được vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng 2 do Nhà nước trao tặng, ghi nhận những đóng góp có ý nghĩa của những nhà khoa học thủy lợi đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn các tỉnh phía Nam. |
HOÀNG LONG