Tại một diễn đàn về phát triển ở thủ đô Brussels của Bỉ diễn ra ngày 16-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ duy trì vị thế là nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu thế giới. Lời phát biểu được đưa ra trong bối cảnh bản thân các nước EU đang rất lo lắng về nguồn chi tài chính của liên minh vốn đang phải gồng mình trong cơn bão nợ công, suy thoái, thất nghiệp.
Viện trợ nhân đạo là nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực, cải thiện điều kiện sống dưới mức trung bình ở những quốc gia kém phát triển. Đã từ lâu, các nước phát triển nói chung và châu Âu nói riêng dành một phần ngân sách cho viện trợ nhân đạo, đặc biệt cho khu vực châu Phi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả của khoản viện trợ trên không được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng biển thủ, cắt xén viện trợ nhân đạo khó kiểm soát được thực hiện dưới nhiều hình thức. Điển hình là ở Somalia, nhiều đơn vị tiếp nhận tài trợ đã bắt tay với những nhân viên LHQ biến chất “phù phép” những lô hàng viện trợ thành hàng hóa “tạm nhập, tái xuất” để chuyển sang bán ở một nước khác.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu các vấn đề châu Phi mới đây đã có bài phân tích ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế - tài chính của EU đến nguồn viện trợ nhân đạo dành cho châu Phi. Bài viết dẫn những số liệu cho thấy, các nước thành viên EU (mạnh nhất là Anh, Pháp, Đức) đóng góp hơn 50% tổng số tiền viện trợ phát triển của thế giới nhưng trong 2 năm qua, tổng viện trợ này đã giảm 1,5% trong nội khối các nước EU. Trong đó, Tây Ban Nha giảm 30% và Hy Lạp giảm 40% ngân sách của mình trong năm 2010 và 2011. Các chính phủ châu Âu đang đàm phán đề xuất ngân sách viện trợ 62 tỷ USD trong 8 năm tới trong khi một số kêu gọi giảm nguồn ngân sách đó.
Từ hai vướng mắc trên, càng thấy rõ viện trợ nhân đạo dù là việc cần thiết, có thể giúp thực hiện mục tiêu đầu tiên của 8 Mục tiêu thiên niên kỷ - xóa đói nghèo - nhưng không thể giải quyết rốt ráo nhu cầu lúc này.
Thứ nhất, phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của chính khu vực khó khăn, cụ thể là châu Phi.
Thứ hai, về phía các quốc gia châu Âu, cần nhìn thấy sự cần thiết những khoản đầu tư phát triển, thay vì đơn thuần là viện trợ nhân đạo, buộc nước nhận viện trợ phụ thuộc vào mình dưới nhiều hình thức. Những quốc gia phát triển cần nhìn thấy sự hợp tác đôi bên cùng có lợi khi sự thịnh vượng của châu Phi chính là cánh cửa mới cho toàn bộ những nước còn lại trên thế giới, nhất là những nước phát triển đang bão hòa về thị trường và nguồn lực. Nếu kinh tế châu Phi tiếp tục tăng trưởng thì sự tăng trưởng đó sẽ mở ra những cơ hội tốt cho đầu tư, thương mại và củng cố sự tăng trưởng kinh tế của chính châu Âu.
Tuần qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới thủ đô Dakar của Senegal bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới một loạt nước châu Phi, trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với lục địa giàu tiềm năng này. Ông Hollande đã nói: “Tôi coi các nước châu Phi như những đối tác và những người bạn”. Đó mới là cách suy nghĩ thực tế, phù hợp với xu hướng hợp tác cùng phát triển hiện nay.
NHƯ QUỲNH