Việt hóa kỳ hoa dị thảo

Trong Hội Hoa xuân Quý Tỵ 2013, khu vực trưng bày xương rồng và sứ lai tạo tại VN luôn thu hút khách. Các hiện vật dường như đẹp hơn trong mắt du khách bởi chúng đều được sinh ra ở VN hoặc du nhập từ nhỏ và trưởng thành ở VN.
Việt hóa kỳ hoa dị thảo

Trong Hội Hoa xuân Quý Tỵ 2013, khu vực trưng bày xương rồng và sứ lai tạo tại VN luôn thu hút khách. Các hiện vật dường như đẹp hơn trong mắt du khách bởi chúng đều được sinh ra ở VN hoặc du nhập từ nhỏ và trưởng thành ở VN.

  • Kỳ hoa dị thảo Việt

Một kệ hình tròn lớn cao ngang tầm nhìn, trên đó đặt trang trọng 50 loại sứ lai tạo tại VN. Những cái tên: sắc tím Sài Gòn, Sài Gòn đỏ, Chợ Lớn, Yên Bái, Hà Nội, Cao Lãnh, Bạc Liêu, Vĩnh Lộc, giáng ngọc, phượng đỏ… đọc lên đã thấy gần gũi.

“Đây đều là những giống sứ được sinh ra ở VN. Trên thị trường, sứ có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là sứ có nguồn gốc nước ngoài. Với mong muốn tạo ra sứ Việt của người Việt, các nghệ nhân đã thụ phấn chéo các cây cha mẹ để bước đầu tạo ra các loại sứ “made in VN”, vừa thỏa mãn lòng yêu hoa và cũng là nuôi dưỡng cảm xúc tự hào, tự tôn dân tộc trong mọi khía cạnh của cuộc sống” - nghệ nhân Nguyễn Văn Tú, một trong các nghệ nhân có hiện vật trưng bày tại khu vực sứ lai tạo tại VN giới thiệu.

Du khách thích thú với các loại xương rồng mới lạ, độc đáo. Ảnh: Cao Thăng

Du khách thích thú với các loại xương rồng mới lạ, độc đáo. Ảnh: Cao Thăng

Dù chỉ là những cây sứ nhỏ chừng 2 gang tay trở lại, đang phát triển và chưa hoàn chỉnh về tạo dáng song cũng giúp khách du xuân có cái nhìn khá đầy đủ về sự đa dạng, phong phú của sắc hoa sứ Việt.

Hoa sứ phượng đỏ mang màu đỏ rực như hoa phượng. Sắc tím Sài Gòn lại có những chùm hoa xòe to tím biếc. Bạc Liêu là sứ kép có đến 3 lớp đỏ thắm (15 cánh). Cao Lãnh lại có họng trắng, cánh trắng bên ngoài có viền hồng cánh sen. Còn giáng ngọc nở xòe 15 cánh trắng muốt xếp lớp duyên dáng như tiên nữ.

Theo các nghệ nhân, mục đích trưng bày không phải để thi thố mà chỉ đơn giản là giới thiệu các loài sứ đơn, kép mới mang “quốc tịch” VN tới du khách. Có thể thấy, sắc sứ Việt rực rỡ, đa dạng không hề thua kém các giống sứ của Thái Lan, Singapore, Đài Loan - Trung Quốc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tú tiết lộ, dự kiến Hội Hoa xuân 2014, ông và các nghệ nhân sẽ giới thiệu bộ sưu tập sứ “quốc tịch” VN trưởng thành được tạo dáng hoàn chỉnh để nhiều người yêu hoa sứ cùng tự hào về sứ VN.

  • “Vương quốc” xương rồng

Gần khu trưng bày hoa sứ là quần thể xương rồng với nhiều loài mới lạ, lần đầu xuất hiện tại Hội Hoa xuân. Xương rồng chân chim có dạng hình cầu, các múi hiện lên rõ hơn mắt trái dứa, đan xoắn với nhau và hội tụ tại đỉnh. Cây xương rồng màu xanh lá cây có gai cong thành hình móng chân chim độc đáo. Còn các bụi xương rồng mạng nhện nhỏ nhắn hình cầu như được tạo bởi các lớp tơ chằng chịt mang những cái gai vàng óng. Xương rồng lưỡi quỷ lại sở hữu những đường gân mạnh mẽ cùng các chùm gai lớn đỏ tía, tua tủa.

Trong khi đó, xương rồng Trúc Ngọc có các múi dài mọc ngoằn ngoèo ngộ nghĩnh. Xen lẫn các loại xương rồng cỡ nhỏ là các bụi xương rồng cao lớn, thân cây xù xì song luôn ẩn chứa vẻ đẹp của sức sống bền bỉ, sự chịu đựng vô cùng trong cuộc sống khắc nghiệt.

Đóng góp 60 hiện vật xương rồng, nghệ nhân Nguyễn Phúc Giác (An Giang) chia sẻ, bộ sưu tập xương rồng của ông đều có nguồn gốc từ nhiều quốc gia thuộc châu Phi, châu Mỹ, châu Úc. Ông mang về VN từ khi chúng còn nhỏ. Người ta mặc định xương rồng chỉ sống khỏe trên sa mạc còn ở những vùng nhiệt đới như tỉnh An Giang thì xương rồng sẽ thừa nước mà thối rữa, chết rũ ra.

Đến khi “vương quốc” xương rồng của ông Giác quy tụ đến hơn 1 triệu cá thể thuộc 25.000 loài thì ông không thể “giấu” mãi cho riêng mình được nữa và “bị” triệu tập đến Hội Hoa xuân 2013 trưng bày, chia sẻ với đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Nổi bật nhất là xương rồng nanh heo, cây hình trụ, cao khoảng nửa mét, màu xanh đậm với các gai to đen xếp dọc trên từng múi. Và xương rồng hàm cá mập là một loại cây mọng nước có các lá dầy xanh đậm, dài khoảng 40cm. Hai bên viền lá là những chiếc gai như hàm cá mập. Điểm đặc biệt là lá phủ lớp phấn trắng mịn và nhìn từ trên xuống sẽ thấy các hoa văn độc đáo. “Điểm “quyến rũ” nhất ở xương rồng là chúng luôn tạo cho ta cảm giác mới mẻ, bất ngờ thú vị. Dù cùng chiết hoặc lấy hạt từ cây mẹ nhưng khi lớn lên, mỗi cây lại có thể cho ra hình dạng, màu sắc khác nhau và không cây nào giống cây nào” - ông Giác chia sẻ về tình yêu xương rồng.

Theo ông, bí quyết để Việt hóa xương rồng là phải hiểu rõ đặc điểm, “tính tình” của từng cây mà “chiều” cho phù hợp. Xương rồng chỉ cần ít nước, nhưng bao nhiêu là ít? Và trên hết là đòi hỏi lòng kiên nhẫn của người nuôi xương rồng. Nhờ kiên nhẫn học hỏi, chăm sóc chu đáo, nhiều loại xương rồng đã gắn bó với ông từ khi chúng “lọt lòng” đến nay đã 30 tuổi. 

Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục