Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan (ảnh) đã trao đổi với PV Báo SGGP về công cuộc đổi mới của đất nước từ năm 1986 đến nay và hướng đến năm 2020.
- PV: Nhìn về Đại hội VI, ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật của Việt Nam sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng?
>> Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN: Những gì Đại hội XI nêu ra là sự tiếp nối và phát triển đường lối đổi mới mà Đảng ta đã nêu ra tại Đại hội VI cách đây đúng 25 năm. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã giành được trong 1/4 thế kỷ qua đã được các văn kiện Đại hội XI nêu đầy đủ; riêng cá nhân tôi chỉ xin chia sẻ những trải nghiệm rất “đời thường” thôi.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước tôi công tác tại Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô. Một trong những công việc chủ yếu của chúng tôi lúc ấy là “đi xin” viện trợ lương thực vì năm nào nước ta cũng thiếu mà bản thân Liên Xô cũng chẳng thừa thãi gì. Khi về nước, cũng như mọi cán bộ khác, công việc chủ yếu của tôi trong ngày chủ nhật là xếp hàng mua gạo. Nhưng rồi khi về công tác ở Bộ Thương mại vào đầu năm 2000, sau đó làm việc trong Chính phủ, một trong những công việc thường xuyên của tôi là cùng các ngành, doanh nghiệp hữu quan tìm mọi cách “bán gạo”. Không có đổi mới thì lấy đâu ra sự đổi đời ấy?
Về đối ngoại, trong những năm 80 công việc chủ yếu của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao là “đấu” để chống lại chính sách cô lập Việt Nam, dự hội nghị quốc tế nào cũng rất căng thẳng. Lúc ấy rất ít đoàn đến thăm và càng hiếm đoàn đi nước ngoài, thậm chí muốn đi phải “xin vé” bạn bè. Nay thì khách khứa đến nhà nườm nượp, nhiều khi vài ba đoàn cấp cao đến thăm cùng một ngày. Đầu câu chuyện của các nhà ngoại giao là giao lưu, kết bạn, mở rộng hợp tác, hội nhập; ở đâu nước ta cũng được coi trọng, ngợi ca. Đấy chính là thành tựu đổi mới về đối ngoại!
- Tại mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều có những chủ trương, quyết sách phù hợp với tình hình đất nước và sự tác động của tình hình quốc tế. Theo ông trong giai đoạn mới, chúng ta cần có những bước đột phá vào lĩnh vực nào và định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đưa Việt Nam hội nhập nhanh với thế giới và hoàn thành nhiệm vụ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?
Theo tôi khái niệm “hiện đại hóa” đầy đủ hơn khái niệm “công nghiệp hóa”. Khi nói đến công nghiệp hóa người ta thường chỉ nghĩ tới phát triển công nghiệp trong khi cái ta cần lại rộng hơn nhiều. Để phát triển nông nghiệp đâu chỉ cần công nghiệp hóa mà cả sinh học hóa; đó là chưa kể yêu cầu hiện đại hóa phương thức làm ăn, lối sống của bà con nông dân. Ngay công nghiệp cũng cần cơ cấu hiện đại, phương thức tổ chức, quản lý hiện đại. |
Sau 25 năm đổi mới, nước ta đã ở trên tầng cao mới, vượt cái ngưỡng nước thu nhập thấp, bước vào “câu lạc bộ” các nước có thu nhập trung bình tính theo đầu người và trong 10 năm tới sẽ chạy nước rút tới cái đích về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Như vậy có thể nói Đại hội XI đánh dấu một mốc lịch sử mới: sau hàng ngàn năm là nước nông nghiệp lạc hậu, nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại sau mươi năm nữa. Thời kỳ mới, tầng cao mới và trong một thế giới đã đổi khác, ta không thể tiếp tục cách đi cũ, mô hình cũ. Mô hình ấy thế nào đã được nêu trong các văn kiện Đại hội XI. Tôi chỉ xin chia sẻ vài suy ngẫm riêng tư.
Về mô hình phát triển thì tôi hiểu một cách nôm na rằng, cần chuyển từ phương châm “đa đa ích thiện” (càng nhiều càng tốt) sang phương châm “chất cần hơn lượng”. Điều đó có nghĩa là tốn ít tiền và sức lao động, sử dụng nhiều tri thức khoa học và công nghệ làm ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị lớn. Muốn vậy phải làm sao biến giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ thành quốc sách hàng đầu thực sự chứ không chỉ là khẩu hiệu. Ý tưởng này đã được nêu ra từ Đại hội III năm 1961, nhưng tiếc rằng cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực.
Để đạt được mục tiêu như vậy, việc nêu nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá là chính xác nhưng tôi sợ trong cách hiểu phổ biến, điều đó chỉ bó hẹp trong việc đào tạo, nâng cao trí lực. Nhưng chúng ta lại cần có nguồn nhân lực toàn diện hơn. Làm sao nước nhà phát triển nếu quan chức không chuyển mạnh từ vai trò “phụ mẫu” của dân sang vai trò “công bộc” của dân? Làm sao có được đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại nếu vẫn lưu giữ phong cách sống, đi lại và làm việc tùy tiện? Làm sao ta có thể vượt lên nếu thể lực của các cầu thủ của ta chỉ chạy được 45 phút chứ không phải 90 phút?
- Trong những năm qua, Việt Nam nổi lên là một thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các công việc quốc tế, qua đó đã khẳng định rõ vai trò, vị thế của Việt Nam. Là người từng phụ trách công tác đối ngoại, theo ông Việt Nam cần triển khai chính sách đối ngoại ra sao để vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng nổi bật hơn?
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động tích cực hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã đem lại những thành tựu to lớn trên cả 3 mục tiêu: giữ vững an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế quốc tế. Và như vậy không có lý do gì khiến ta phải thay đổi; có chăng chỉ hoàn thiện, nâng cao thêm đường lối ấy mà thôi.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên mở rộng khái niệm “hội nhập” không chỉ bó gọn trong lĩnh vực kinh tế mà nên tiếp cận toàn diện hơn. Sao phải né tránh sự hội nhập chính trị trong khi ta đã từng ngồi ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, từng chủ trì cấp cao ASEM, APEC, vừa làm Chủ tịch ASEAN và với tư cách ấy đã “ngồi mâm trên” là G20. Về văn hóa hội nhập còn sâu hơn, rộng hơn rất nhiều: thanh niên rất ưa thích rock, rap, blue, hip-hop; trên vô tuyến truyền hình tràn ngập phim nước ngoài; các chị em bán rau ngoài chợ, làm vệ sinh đường phố cũng điện thoại di động kè kè... Chưa hết, các tướng lĩnh quân đội ta chẳng những tham gia mà còn chủ trì những hội nghị quốc phòng - an ninh tầm cỡ quốc tế, rất hoành tráng. Vấn đề chỉ là hội nhập, nhưng quan trọng là làm sao để “ta vẫn là ta”, “kiếm lợi cho ta” và vẫn có thể gánh vác công việc chung của thiên hạ mà thôi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
- Người dân Việt Nam đang kỳ vọng, Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển của đất nước. Ông đặt kỳ vọng gì vào Đại hội Đảng lần này? >> Kỳ vọng của tôi là “chính sách một, biện pháp mười, tổ chức thực hiện trăm”. Mà biện pháp phải là kinh tế chứ trong cơ chế hiện nay Nhà nước không thể chỉ ra mệnh lệnh; các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân sẽ làm theo cơ chế, chính sách Nhà nước định ra. Muốn ước mơ thành hiện thực thì điều cốt tử là làm sao mỗi đảng viên từ trên xuống dưới thực sự là những tấm gương về trí tuệ, đạo đức và lương tâm dân tộc không chỉ trên lời nói mà trong việc làm, trong cách sống. Được như thế, cầu trời cho thế hệ chúng tôi nhìn thấy một nước Việt Nam hiện đại vào mươi năm sau. |
Nghĩa Bình