Việt Nam giàu năng lượng gió

Việt Nam giàu năng lượng gió

Hiện nay, một trong những nguồn năng lượng được cho là có thể góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện tại Việt Nam là việc khai thác sức gió để chuyển đổi thành điện năng. Nhiều chuyên gia đã cho rằng sức gió có thể là giải pháp cho vấn đề thiếu điện ở Việt Nam, điển hình như ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty Tham vấn Kỹ thuật điện năng hay giáo sư Andy Sturman (Trường Đại học Canterbury ở New Zealand) từng nêu ra nhận định như sau: với khoảng 28.000 km2 trên lãnh thổ Việt Nam, sức gió trung bình hơn 7m/giây, chính là điều kiện hết sức thuận lợi để tận dụng sức gió tạo ra điện năng ở Việt Nam.

Việt Nam giàu năng lượng gió ảnh 1

Chuyển hóa gió thành điện năng là chuyện không lạ của thế giới.

Ông Andy Sturman nhận xét: Việt Nam có vùng lãnh thổ nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, luôn có một thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. Thử so sánh tốc độ gió trung bình trong vùng biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận, chúng ta luôn thấy gió tại biển Đông thổi khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa.

Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) từng có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á. Theo đó Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực với tổng công suất điện gió ước đạt khoảng 513.360 MW (bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020).

Tất nhiên, để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật và cuối cùng thành tiềm năng kinh tế là cả một câu chuyện dài. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách thấu đáo tiềm năng to lớn về năng lượng gió ở Việt Nam. Bên cạnh đó, WB cũng xác định hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60 - 100m phía Tây Hàm Tiến đến vùng Mũi Né (Bình Thuận).

Gió khu vực này có vận tốc trung bình lớn, ổn định và đặc biệt ít bị bão, thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió Nam và Đông Nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6 - 7m/giây, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3 - 3,5 MW. Trên thực tế, người dân khu vực Ninh Thuận cũng đã tự chế tạo một số máy phát điện gió cỡ nhỏ nhằm mục đích thắp sáng. Giáo sư Andy Sturman cho biết không phải chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước khác hiện nay cũng chú ý đến việc sản xuất điện nhờ sức gió. Ông tin rằng nếu ngày càng có nhiều tuốc bin gió mọc lên ở khắp nơi trên thế giới, giá điện sản xuất bằng sức gió thế nào cũng rẻ đi, chưa nói đến chuyện đây là phương cách hữu hiệu để giảm phí tổn trong việc sản xuất điện. 

NHƯ QUỲNH
(
Theo Christine Webster/Radio Australia)

Tin cùng chuyên mục