Việt Nam thừa thịt gà nhưng vẫn nhập khẩu ồ ạt

Trong 4 tháng đầu năm, lượng thịt gia cầm nhập ồ ạt về Việt Nam với khoảng 51.000 tấn (chưa kể nhập lậu). “Tình trạng nhập ồ ạt gà đông lạnh, kể cả gà nguyên con (chặt cổ chặt cánh) từ Hàn Quốc về Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, thì không doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nào chống chịu nổi” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) lên tiếng.

Thông tin này được nêu ra tại Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chăn nuôi gia cầm Việt Nam, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 27-4 tại Hà Nội.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi gia cầm Việt Nam sáng 27-4

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi gia cầm Việt Nam sáng 27-4

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, lượng gia cầm chăn nuôi trong nước hiện nay là rất lớn, sản lượng thịt, trứng gia cầm đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ của 100 triệu dân trong nước và bước đầu còn dư thừa xuất khẩu.

Các cơ sở chăn nuôi đang bán gà dưới giá thành

Các cơ sở chăn nuôi đang bán gà dưới giá thành

Thế nhưng hiện nay, chúng ta lại đang cho phép nhập một khối lượng lớn gia cầm sống về giết mổ (bên cạnh lượng lớn con giống về chăn nuôi, tăng đàn) và lượng lớn thịt gia cầm đông lạnh (chưa kể lượng nhập lậu).

Cụ thể, năm 2022, lượng gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8% và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021.

Thị trường Việt Nam nhập khẩu sản phẩm gia cầm chủ yếu là Mỹ (41,5%), Brazil (22,1%), Hàn Quốc (18,1%), Ba Lan (11,6%)…

Thịt gia cầm ngoại đang làm hại chăn nuôi gia cầm nội địa

Thịt gia cầm ngoại đang làm hại chăn nuôi gia cầm nội địa

Trong 3 tháng đầu năm, số lượng gà sống dùng làm thịt nhập về Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 1.120 tấn và lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về đạt 47.817 tấn.

Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 2, Hàn Quốc là thị trường cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt hơn 6.000 tấn và trị giá đạt hơn 7,6 triệu USD, tăng 136,9% về lượng và tăng 127,9% về trị giá so với tháng trước.

Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, với lượng nhập khẩu thịt gà đạt hơn 4.200 tấn, trị giá hơn 4,2 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 36,5% về trị giá so với tháng trước.

Đứng thứ 3 là thị trường Brazil, với lượng nhập khẩu đạt gần 4.500 tấn và trị giá đạt hơn 3,8 triệu USD, tăng 92,4% về lượng và tăng 53,3% về trị giá so với tháng trước.

Ba Lan đứng thứ 4, với lượng nhập khẩu đạt hơn 976 tấn, trị giá đạt hơn 1,3 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 29,4% trị giá so với tháng trước.

Sang tháng 3, các thị trường xuất khẩu thịt gà lớn nhất sang Việt Nam là Mỹ (chiếm tỷ trọng 34%), Hàn Quốc (29,2%), Brazil (22,7%), Ba Lan (5,2%), Nga (2,2%) và các thị trường khác chiếm 6,8%.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA trao đổi với báo giới

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA trao đổi với báo giới

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đáng báo động là hiện giá thành chăn nuôi gia cầm là khoảng 29.000-30.000 đồng/kg nhưng giá bán trung bình chỉ đạt 25.000 đồng/kg.

“Lượng thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam đáng lo ngại, đe dọa nghiêm trọng ngành chăn nuôi trong nước, tạo hệ luỵ càng chăn nuôi càng thua lỗ” - ông Sơn cảnh báo.Theo Chủ tịch VIPA, trong 2 năm 2021-2022, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm về Việt Nam lên tới 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất (chăn nuôi) trong nước chỉ đạt 6%. “Hiện nay, người ta không chỉ nhập khẩu lòng mề, nội tạng động vật mà còn nhập cả da gà từ Hàn Quốc về Việt Nam. Thậm chí hiện nay còn có dấu hiệu nhập khẩu gà thải loại của Thái Lan qua Campuchia và Lào về Việt Nam” - ông Sơn nói.

Tin cùng chuyên mục