Sáng nay 22-10, tại Hà Nội đã diễn ra “Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc” theo Nghị định thư ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào cuối tháng 4 vừa qua.
Đến dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường...
Trung Quốc là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với trị giá gần 10 tỷ USD. Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025.
Vì vậy lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang các thị trường tiềm năng; nhất là thị trường Trung Quốc. Đây cũng là kết quả triển khai quyết liệt và có hiệu quả các yêu cầu về thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam trong gần 7 năm qua.
Sau hơn 6 tháng, kể từ khi Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết, đến ngày 16-10-2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, 100% các trang trại chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc đều được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát các bệnh theo quy định tại nghị định thư, quy định của Tổ chức Thú y thế giới - OIE và của Việt Nam.
Dự kiến đến tháng 12-2022, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh tại Việt Nam.