Cuối cùng, Chính phủ Ukraine cũng đã thông báo quyết định sẽ khởi kiện Nga để hủy 2 hợp đồng mua bán khí đốt ký năm 2009 mà Ukraine cho là đã bị “hớ” khi mua với giá quá cao so với hiện nay. Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov cũng đã không ngần ngại khi nói thẳng với Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm ngày 30-8 rằng “Nga đang đẩy Ukraine vào ngõ cụt và chỉ còn lối thoát duy nhất là hủy bỏ hợp đồng mua bán khí đốt đã ký”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh chính trường Ukraine đang bị chia rẽ bởi phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko về tội lạm dụng chức quyền khi còn tại vị để chỉ thị ký 2 hợp đồng mua bán khí đốt với Nga (từ 2010 - 2019) gây thiệt hại cho ngân khố quốc gia Ukraine hơn 200 triệu USD. Giá khí đốt mà Nga bán cho Ukraine hiện cao hơn nhiều so với giá bán cho các nước châu Âu khác, mặc dù Nga đã hạ 30% giá bán khí đốt cho Ukraine sau khi Kiev đồng ý kéo dài sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen ở lại nước này thêm 15 năm nữa.
Việc chính phủ mới ở Ukraine điều tra những nhà lãnh đạo của chính phủ tiền nhiệm không chỉ bị phương Tây chỉ trích là mang “động cơ chính trị” mà còn đang được Mátxcơva theo dõi chặt chẽ. Tại sao tổng thống có quan điểm “thân Nga” Viktor Yanukovych, mới tháng 4 năm ngoái cùng ra tuyên bố chung quyết tâm khôi phục quan hệ đối tác chiến lược song phương với Nga, nay lại tỏ thái độ không nhượng bộ những vấn đề kinh tế có liên quan với Nga?
Có luồng dư luận cho rằng Tổng thống Yanukovych đang cố dùng “một mũi tên” để bắn đến 3 mục đích. Thái độ không khoan nhượng với Nga một phần sẽ giúp làm xoa dịu làn sóng chỉ trích trong nước lên án thỏa thuận cho thuê cảng Sevastopol để được Nga giảm 30% giá khí đốt bán cho Ukraine là “một nỗi hổ thẹn và phản bội tổ quốc chưa từng có tiền lệ”. Mặt khác, nhà lãnh đạo Kiev cũng muốn nhắn đi một thông điệp đến Nga rằng sắp tới họ sẽ cứng rắn hơn khi đàm phán về giá khí đốt với Nga trong tương lai. Và với phương Tây, Ukraine muốn chứng tỏ rằng chỉ có lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là trên hết. Ukraine không muốn thân một bên nào cả. Trong nước cờ chính trị này, “nữ hoàng khí đốt” Tymoshenko được đặt vào vai “vật tế thần”.
Song, nước cờ chính trị nào cũng có cái giá của nó. Quyết tâm đưa cựu Thủ tướng Tymoshenko ra xét xử có thể sẽ trở thành những trở ngại mới trên con đường gia nhập Liên minh châu Âu của Kiev, như nhận định của Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowsky trên kênh truyền hình TVP tối 30-8. Ukraine phải minh chứng được vụ án này không phải là một vụ án chính trị như báo chí Tây Âu miêu tả.
Còn đối với Nga, trong khi bà Tymoshenko bị cáo buộc đã phạm luật vì không tham khảo chính phủ trước khi đặt bút ký, thì Mátxcơva vẫn khẳng định hợp đồng mua bán khí đốt đã ký với Ukraine là hợp pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới đây đã khẳng định rằng hợp đồng này cần phải được thực hiện vô điều kiện và Ukraine nên hành động như Belarus để có thể mua khí đốt của Nga với giá rẻ hơn (hàm ý Tập đoàn Dầu khí Naftogaz của Ukraine nên tham gia Liên minh hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan).
Ngược lại, nếu chính quyền Kiev quyết tâm xét xử đối thủ chính trị của mình là bà Tymoshenko, họ sẽ không thể tránh đụng đến Mátxcơva vì đối tác ký hợp đồng khí đốt là đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Xem ra Ukraine có nguy cơ bị việt vị trong đợt tấn công nhằm đến 3 khung thành này.
XUÂN HẠNH