Nếu như 2 năm trước đây, smart city (đô thị thông minh - ĐTTM) vẫn còn là một khái niệm tương đối mới với các chính quyền địa phương tại Việt Nam, thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mô hình đô thị thông minh đã bắt đầu thành hình. Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của VNPT và Viettel.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT, cho rằng ba đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là “chính quyền - doanh nghiệp (DN) - người dân”. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... Đối với DN là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí, thu được nhiều thuế từ các DN, người dân đóng góp.
Nhìn lại bước đi của các nhà mạng, trong khoảng 1 năm qua, nhiều địa phương đã “bắt tay” với VNPT và Viettel để tiến hành xây dựng ĐTTM. Với VNPT đó là TPHCM, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bắc Giang, Tiền Giang. Với Viettel là Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Huế, Bình Phước, Hưng Yên, Đà Nẵng và Phú Thọ. Có thể nói giữa VNPT và Viettel - 2 “đại gia” về viễn thông và CNTT ở Việt Nam hiện nay - đang có một cuộc đua mới, đó là xây dựng ĐTTM cho các địa phương.
Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng ĐTTM với tỉnh Phú Thọ mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định với thế mạnh về nguồn lực, hạ tầng viễn thông rộng khắp, đội ngũ nhân lực CNTT trình độ cao, tạo ra nhiều giải pháp và sản phẩm thiết thực như Bankplus, Moffice, Shop.one, Smas, sms.edu, phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý bảo hiểm xã hội…, Viettel tự tin có thể hỗ trợ tỉnh Phú Thọ xây dựng ĐTTM hiệu quả, thành công.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Long cho biết đã có không ít những nghi ngại về khả năng thành công trong việc triển khai và áp dụng các giải pháp thông minh cho đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc VNPT thử nghiệm thành công trên thực tế là minh chứng rõ nét cho thấy rằng việc này là hoàn toàn khả thi. Với thế mạnh về hạ tầng công nghệ tiên tiến, mạng lưới dịch vụ phủ sóng rộng tương thích với các quốc gia trên thế giới và khu vực, VNPT đang từng bước xây dựng ĐTTM đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, tài nguyên môi trường, giáo dục… được VNPT bắt tay vào thử nghiệm tại nhiều địa phương, dựa trên những giải pháp sẵn có hoặc hợp tác với các hãng công nghệ lớn của nước ngoài, đang cho kết quả ban đầu khả quan.
Theo cam kết với tỉnh Kiên Giang, sau gần 5 tháng VNPT tiến hành xây dựng, khảo sát và triển khai, những đặc trưng của ĐTTM đầu tiên tại Việt Nam đã hình thành tại huyện đảo Phú Quốc. Giai đoạn đầu tiên trong lộ trình triển khai gồm 4 giai đoạn đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, hệ thống chính quyền điện tử tại Phú Quốc đã được đưa vào sử dụng từ ngày 5-1-2017, đáp ứng yêu cầu liên thông xử lý thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai từ huyện Phú Quốc lên Sở Tài nguyên - Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai. Hệ thống smart wifi đang được lắp đặt tại 8 điểm du lịch. Hệ thống Quản lý lưu trú trực tuyến đã được cài đặt, tập huấn cho các cán bộ quản lý của Công an huyện Phú Quốc và khoảng 200 cơ sở lưu trú. Hệ thống giám sát môi trường đang được triển khai với 5 điểm kiểm soát môi trường trên địa bàn.
Lãnh đạo VNPT khẳng định, nối tiếp Phú Quốc, những ĐTTM khác với quy mô lớn hơn, tầm vóc hơn cũng đang dần được thành hình theo sự cam kết của VNPT với các địa phương. Trước mắt VNPT đang ưu tiên và tập trung lớn cho dự án ĐTTM ở TPHCM và Đà Lạt (Lâm Đồng)…
TRẦN LƯU