Vĩnh biệt “Mozart của thơ ca”

Những ngày đầu tháng 2, làng văn nghệ thế giới đón nhận một tin buồn: Wislawa Szymborska, nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1996, đã qua đời tại Krakow, Ba Lan, sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.
Vĩnh biệt “Mozart của thơ ca”

Những ngày đầu tháng 2, làng văn nghệ thế giới đón nhận một tin buồn: Wislawa Szymborska, nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1996, đã qua đời tại Krakow, Ba Lan, sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Bà qua đời ở tuổi 88, với di sản là 400 bài thơ, trong đó có 200 bài thơ chính thức được giới thiệu trước công chúng. Có một điều bất ngờ là tập thơ mới nhất của bà sẽ xuất bản trong năm nay, sau khi bà qua đời. Những người yêu thơ của Szymborska sẽ một lần nữa được trải nghiệm những mảnh ghép muôn màu của cuộc sống qua những vần thơ dung dị của nhà thơ nổi tiếng người Ba Lan này.

Nhà văn Szymborska tại lễ trao giải Nobel 1996.

Nhà văn Szymborska tại lễ trao giải Nobel 1996.

Wislawa Szymborska sinh tại miền Tây Ba Lan, ở TP nhỏ Bnin (hiện nay là một khu phố của Kornik), gần Poznan. Từ năm 1931, bà chuyển về sống tại Cracovie, theo học văn chương Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagellon từ 1945 đến 1948.

Sinh trưởng vào thời kỳ chiến tranh nên những tác phẩm của bà thời gian đầu nói về Chiến tranh thế giới thứ 2 đầy khốc liệt và sự mất mát. Phong cách thơ của Szymborska thời kỳ này mang tính hiện thực truyền thống, viết về chiến tranh, quân đội, tổ quốc.

Trong sự nghiệp của mình, Szymborska đã xuất bản 20 tập thơ, cứ 4 đến 5 năm bà lại cho ra lò một cuốn thơ, một số trong đó đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Những vần thơ của bà giản dị nhưng tinh tế và sâu sắc. Bà mượn những sự vật bình thường nhưng dùng khả năng quan sát tinh tế của mình để nói lên những sự thật lớn lao. Bà thường sử dụng những hình ảnh quen thuộc như củ hành, con mèo dạo bước trong căn hộ trống trải, cây quạt cổ trong bảo tàng để nói về những chủ đề như tình yêu, cái chết, và dòng thời gian.

Vào những năm hậu chiến, bà tiếp tục in thơ trong nhiều nhật báo và tạp chí. Từ 1953 đến 1981, bà tham gia ban biên tập một tuần báo văn nghệ Ba Lan, giữ mục phê bình những tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: từ du lịch, ẩm thực, nghề làm vườn và ảo thuật cho đến lịch sử nghệ thuật.

Là một nhà thơ nổi tiếng nhưng Symborska sống trọn cuộc đời một cách khiêm tốn và lặng lẽ ở TP cổ kính Krakow sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ. Theo báo chí Ba Lan, nhà thơ nữ này dường như không có người thân. Từ năm 2000 cho đến nay, bà cộng tác với tạp chí văn học Zycie Literackie (Đời sống văn học).

Sinh thời, bà có quan niệm sáng tác không hề dễ dãi. Bà từng tâm sự rằng khi làm thơ, bà chỉ dùng bút chứ không bao giờ sử dụng máy vi tính. Nhất thiết phải có một khung cảnh thật riêng tư. Bà nói: “Tôi không tưởng tượng được có nhà văn nào mà không tìm cho mình thanh bình và yên lặng. Thơ không thể ra đời giữa tiếng ồn, trong đám đông hay trên xe buýt”.

Năm 1996, Szymborska được trao giải Nobel cho “những tác phẩm thơ tái hiện chân thực một thế giới trong đó cái thiện và cái ác đan xen, giành giật nhau chỗ đứng cả lẫn trong tư duy và hành động của con người, thể hiện tấm lòng một công dân, một nghệ sĩ có nhân cách lớn và đầy trách nhiệm trước những thực trạng các giá trị tinh thần bị đảo lộn, trước nguy cơ suy đồi đạo đức trong cuộc sống hiện đại”.

Ban Giải thưởng Nobel ca ngợi bà là “Mozart của thơ ca”, người phụ nữ đã sử dụng sự tao nhã của ngôn từ để đề cập nhiều đề tài nghiêm túc bằng sự hài hước. Năm ngoái, bà được Tổng thống Bronislaw Komorowski trao tặng Huân chương Đại bàng trắng, huân chương cao quý nhất của Ba Lan, ghi nhận những đóng góp to lớn của bà đối với nền văn hóa của nước này. 

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục