Và ở đâu, cứ vừa nhận phòng, bỏ hành lý xuống là có ngay một nhóm nhà văn bám riết lấy anh Tấn. Không chỉ vì anh sáng tác nhiều, danh tiếng ai cũng biết, mà còn vì anh có tài kể chuyện và không biết tiếu lâm ở đâu mà nhiều đến thế. Cứ là cười nói không dứt.
1.
Nhà văn nào cũng có lý lịch sáng tác nhiều ít. Nhưng các tác phẩm của anh Trần Công Tấn chỉ nghe cái tên thôi đã thấy một sắc thái đặc biệt, có thể nói anh là “riêng một góc trời”.
Trên đỉnh Bolaven, Chuyện tình dưới chân núi Pha Pha, Những kỷ niệm về một ông Hoàng lớn, Giữ đỉnh Xang Khăm, Như trở lại Lào, Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước triệu voi, Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan…, mang sắc thái riêng của anh mà ít người có thể có được như vậy.
Không những thế, các câu chuyện của anh lại có chất độc đáo riêng mà không ai có được. Và tất cả đều là những câu chuyện thực tế từ chính cuộc đời anh. 13 tuổi tham gia kháng chiến, làm cậu bé liên lạc, được phát hẳn một con ngựa để thuận tiện đưa thông tin.
Rồi trải qua những năm tháng “Bình Trị Thiên khói lửa” để trưởng thành, có thể nói cuộc đời anh chính là phản ánh sống động một góc lịch sử kháng chiến của dân tộc. Thậm chí, có người nhận xét, nếu thiếu đi những lao động văn chương như của nhà văn Trần Công Tấn, lịch sử sẽ thiếu đi một mảng đời sống cụ thể sinh động của những cá nhân trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà những trang sử chính thống không thể chuyển tải hết được.
Quen biết anh nhiều năm, nhưng đôi lúc nhìn anh, tôi cứ ngỡ ngàng thầm hỏi: “Chính anh đây ư, người đã trực tiếp dự trận đánh cuối cùng của 9 năm kháng chiến?”. Có tham gia trực tiếp, anh mới có thể viết nên những trải nghiệm rất riêng: “Hắn vô cùng ngạc nhiên khi đang hành quân dưới trời mưa như trút nước, mọi người dù chống gậy vẫn bị trơn trượt ngã oành oạch, bỗng dưng trời nắng ráo, bụi bay mù mịt… Cả trung đoàn vứt lại một đống gậy trên đỉnh núi và reo lên “đến Lào rồi!”.
Có lẽ cũng vì vậy, cứ gặp anh là các nhà văn, nhất là những nhà văn thế hệ sau này cứ đeo theo đòi nghe bằng được những câu chuyện của đời lính dù rằng về tổng thể sự kiện lịch sử thì ai cũng đã biết rồi.
2.
Ở phần trên tôi có nhắc đến con ngựa mà cậu bé liên lạc 13 tuổi Trần Công Tấn nhận được những ngày đầu theo kháng chiến. Sau này, anh nhắc về kỷ niệm với chú ngựa đó trong câu chuyện “Con ngựa đưa… thẳng vào Hội nhà văn”.
Câu chuyện vừa buồn, vừa phản ánh cả những thực tế ác liệt của một thời chiến chinh. Chú bé liên lạc được giao con ngựa để đi lại chuyển thông tin. Chú bé yêu con ngựa biết bao, huấn luyện cho nó biết nghe lệnh để đứng ngồi, biết chạy kiểu chữ chi để tránh đạn. Thế nhưng, chiến đấu ác liệt, đơn vị bị vây, bộ đội thiếu lương thực nghiêm trọng.
Biết chú bé liên lạc yêu quý con ngựa, các anh lớn phải điều chú đi nơi khác để có thể giết thịt con ngựa giúp cả đơn vị vượt qua thời khắc khó khăn. Ngày đó, đọc câu chuyện của anh xong, tất cả chúng tôi đều bám theo anh chỉ để hỏi cảm xúc của anh khi ôm lấy xác con ngựa như thế nào… tất cả như chia sẻ, thấu hiểu những mất mát của anh khi đó.
Không chỉ có câu chuyện con ngựa, ngày đó, mỗi lần gặp anh Trần Công Tấn, tất cả chúng tôi như gặp một “kho báu” tư liệu. Chúng tôi bám lấy anh, bắt anh kể chuyện vì sao mà anh trở thành “con nuôi của Hoàng thân Xuphanuvông”; mè nheo đòi anh kể lại cái đêm làm liên lạc, vượt vòng vây giặc để kịp đưa lá thư báo tin cho Hoàng thân Xuphanuvông biết để trốn thoát trước khi bị kẻ địch bao vây. Không có lá thư ấy, có lẽ lịch sử đã khác rất nhiều.
Nhà văn Trần Công Tấn qua đời lúc 20 giờ 30 ngày 7-9-2024 (nhằm ngày 5 tháng 8 Âm lịch), hưởng thọ 92 tuổi. Ông sinh ngày 19-5-1933 tại Huế, nguyên quán xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Ông còn có một số bút danh như: Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Xomboun Vatthanna.
Linh cữu nhà văn Trần Công Tấn được quàn tại số 2B đường Trịnh Hoài Đức (khu phố 2, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM); lễ nhập quan vào lúc 12 giờ ngày 8-9; lễ động quan lúc 9 giờ ngày 11-9. Sau đó linh cữu được đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên (Dĩ An, Bình Dương).
Cuộc đời của nhà văn Trần Công Tấn phong phú đến nỗi có nhà văn Mỹ đã đến gặp anh, xin được tiếp cận những tư liệu, ghi chép của anh trong những năm tháng chiến tranh. Với tấm lòng phóng khoáng, anh sẵn lòng chia sẻ, cho họ xem những trang nhật ký, những tấm ảnh chụp trong thời chiến.
Cũng vì thế, có người bảo anh “dại quá”, sao lại cho thoải mái những tư liệu quý như vậy. Anh chỉ cười. Sau này, NXB Công an Nhân dân có sử dụng những tư liệu đó để xuất bản một cuốn sách về cuộc đời đầy phong phú của nhà văn Trần Công Tấn với nhan đề Khôn dại - Dại khôn (xuất bản năm 2014).
Nghe tin anh mất, tôi lại lấy cuốn sách Khôn dại - Dại khôn ra để tìm đọc lại những tư liệu về cuộc đời anh, bỗng xúc động khi thấy những dòng chữ anh đề tặng vợ chồng tôi năm ấy: “…hai anh chị đã đọc ngay từ bản thảo, góp ý sửa chữa và biên tập. Tôi biết ơn anh chị Việt - Hải đã giúp đỡ tôi rất nhiều…”.
Anh Tấn ơi, chúng em đâu dám nhận lời biết ơn của anh, nếu chúng em có phụ giúp gì cũng là do cuộc đời anh đáng để người đời biết đến. Chúng em, cũng như những bạn ở các trại viết văn, ngày đó cứ đeo theo anh đòi nghe chuyện này chuyện kia, thúc giục tới lui, tò mò vặn vẹo.
Có lẽ cũng vì thế mà giúp anh có thêm chút động lực để viết ra cuốn tiểu thuyết tự truyện đời mình.
Một cuộc đời lạ và hay biết bao nhiêu.