“Nữ tướng vận động quốc tế” - đó là biệt danh thân thương nhưng đầy sự cảm phục dành cho bà Nguyễn Ngọc Dung mà trong hồi ức của mình - bà Nguyễn Bình Thanh, thành viên đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam, thư ký của Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình, đã nhiều lần nhắc đến.
Bà Nguyễn Ngọc Dung - nguyên là thành viên Phái đoàn Mặt trận Dân tộc và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên đàm phán hòa bình ở Paris; tham gia Phái đoàn Quân đội nhân dân giải phóng miền Nam trong Ban liên hợp quân sự 4 bên tại Tân Sơn Nhất với quân hàm thiếu tá, nguyên Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc (1979-1983), nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện phía Nam. Bà cũng là một trong những thành viên thuộc phái nữ hiếm hoi “đếm trên đầu ngón tay” cả với 2 đoàn của ta tại Hội nghị Paris.
Giữa tháng 5-1968, Hội nghị 2 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris thì 7 tháng sau, tháng 12-1968, Phái đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) do đồng chí Trần Bửu Kiếm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, kiêm Trưởng ban đối ngoại Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN dẫn đầu (bà Nguyễn Ngọc Dung là thành viên) đã đặt chân tới thủ đô nước Pháp để tham gia cuộc đàm phán 4 bên. Hội nghị 4 bên mà 2 đoàn Nam và Bắc của Việt Nam, với nỗ lực vượt sức tưởng tượng của tất cả các thành viên, đã mở ra một cục diện “vừa đánh, vừa đàm” rất độc đáo, kiến tạo thành công một mặt trận mới: Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Không “lạ” gì biệt danh này sau một thời gian dài công tác cùng bà Nguyễn Ngọc Dung, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, hiện ngụ tại quận 1 TPHCM, khi trò chuyện với phóng viên Báo SGGP đã nhận xét: “Đó là một nữ trí thức rất tuyệt vời! Chị có năng khiếu trong việc tiếp xúc, vận động người khác, nhất là giới trẻ. Bản tính chị năng động, tích cực, nhiệt tình và đặc biệt là chị thông thạo tiếng Pháp. Chính khả năng ngoại ngữ cộng với tính cách đặc biệt của chị, đã góp phần không nhỏ cho thành công của Hội nghị Paris”.
Nghỉ hưu chưa được bao lâu, nghe bác sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, nói về công việc của hội, bà Nguyễn Ngọc Dung không ngần ngại lao vào tham gia công tác xã hội, tất bật vận động tài trợ, xây dựng, thực hiện các dự án, chương trình hoạt động… Các mối quan hệ cũ với các đối tác trong, ngoài nước hơn chục năm làm ngoại giao đã được phát huy. Sau hơn 20 năm hoạt động xã hội đến nay, bà đã thực hiện thành công gần 60 dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ khuyết tật, suy dinh dưỡng, thất học, trẻ đường phố, bị lạm dụng tình dục, góp phần giúp đỡ hàng trăm nghìn trẻ em, trong đó có không ít em đã trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.
“Chị Dung đã sống một cuộc đời rất đẹp, cống hiến cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời” - nguyên Đại sứ Huỳnh Ngọc Ẩn xúc động nói.
Bà Nguyễn Ngọc Dung (còn gọi là Nguyễn Thị Xuân), sinh năm 1927 tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN đại diện phía Nam, đã nghỉ hưu. Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Do tuổi cao, sức yếu, bà đã từ trần lúc 9 giờ 20 ngày 12-3, tại TPHCM, hưởng thọ 88 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3. Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 15-3. Lễ truy điệu lúc 13 giờ ngày 16-3. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. |
HỒNG HIỆP