Vĩnh biệt vị Tổng Tư lệnh toàn năng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hôm nay, 7 giờ 30 phút ngày 12-10-2013, tại Hà Nội, Quảng Bình, TPHCM và trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam, đã được long trọng tổ chức theo Nghi thức Quốc tang. Đâu đâu cũng có hàng đoàn người lặng lẽ, nối nhau dịch chuyển như một dòng chảy bất tận với tâm trạng vừa tự hào, yêu kính vừa nặng trĩu, chan chứa bao đau thương, mất mát một con người vĩ đại của dân tộc như một người thân thiết của lòng mình.
Vĩnh biệt vị Tổng Tư lệnh toàn năng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hôm nay, 7 giờ 30 phút ngày 12-10-2013, tại Hà Nội, Quảng Bình, TPHCM và trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam, đã được long trọng tổ chức theo Nghi thức Quốc tang. Đâu đâu cũng có hàng đoàn người lặng lẽ, nối nhau dịch chuyển như một dòng chảy bất tận với tâm trạng vừa tự hào, yêu kính vừa nặng trĩu, chan chứa bao đau thương, mất mát một con người vĩ đại của dân tộc như một người thân thiết của lòng mình.

Từ đêm 4-10 đến giờ đã có hàng triệu hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế rơi nước mắt thương tiếc Đại tướng khi biết vị Tướng huyền thoại của lịch sử Việt Nam đã vĩnh biệt thế gian này. Cũng đã có hàng trăm, hàng nghìn bài viết của các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài nước, từ báo in, báo hình, báo nói đến báo mạng… bày tỏ lòng tôn kính và tiếc thương vị Tướng “văn võ song toàn”, “tài đức trọn vẹn” của dân tộc Việt Nam anh hùng, của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Tôi tin rằng, rồi đây còn nhiều và nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều cuộc nghiên cứu, hội thảo khoa học bàn về thân thế, sự nghiệp, tài trí, nhân đức của vị Tướng huyền thoại này. Đó là lẽ thường tình! Thời gian càng lùi xa, càng có điều kiện để nhìn rõ hơn, toàn diện hơn tầm cao vĩ đại của vĩ nhân...

Trong giờ phút đau thương này, xin có ít dòng để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô vàn kính yêu. Xin vĩnh biệt một người Thầy dạy Sử, một Danh nhân lịch sử, một Con Người “làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử”.

Từ trước đến nay cũng như mấy ngày vừa qua, nhiều người nước ngoài đều có nhận định “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, dù không được đào tạo chính quy”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ trao trách nhiệm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng khi chưa trải qua một ngày nào ở trường lớp quân sự. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã trải qua biết bao cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giành, giữ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Một người thầy dạy sử như Võ Nguyên Giáp hẳn rằng đã nằm lòng những trang sử đấu tranh kiên cường, đầy mưu trí, vô cùng oanh liệt của dân tộc ta; từ đó có kinh nghiệm, có tri thức để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, của dân tộc, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam thời đại mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bởi vậy, chỉ 4 năm sau kể từ khi được Bác Hồ trao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người, với vũ khí thô sơ, thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân ấy không ngừng trưởng thành qua rèn luyện, chiến đấu và người chỉ huy đội quân ấy đã trở thành Đại tướng theo Sắc lệnh 110/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký ngày 20/1/1948, và chiều 28/5/1948 lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên – Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ được tổ chức trọng thể. Từ đó đến ngày 4/10/2013, ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 12 vị đại tướng, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang quân hàm Đại tướng đúng 65 năm. Có lẽ lịch sử Việt Nam, cũng như lịch sử thế giới không có trường hợp thứ hai!. 

Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr.723). Từ ngày được trao nhiệm vụ “điều khiển binh sĩ”, Đại tướng đã đi suốt chặng đường vẻ vang của dân tộc, đặc biệt trong tất cả các chiến dịch quân sự lớn của 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu đã “làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chiều 28/5/1948 ở chiến khu Việt Bắc.

Khi được phong hàm Đại tướng, nhiều nhà báo Phương Tây hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc phong cấp này dựa theo tiêu chuẩn nào? Bác Hồ trả lời ngắn gọn: đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng ! Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của nhân dân Việt Nam anh hùng trong thế kỷ XX, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với cương vị Tổng Tư lệnh đã lần lượt đánh thắng 10 đại tướng của đối phương (gồm bảy đại tướng Tổng Chỉ huy quân Viễn chinh Pháp và ba đại tướng Tổng chỉ huy quân xâm lược Mỹ). Bây giờ thì chính nhà báo, nhà sử học nước ngoài đã khẳng định: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp” (Vo NguyenGiap – Man andMyth – NewYorkF.P.Publishers, 1962 – Võ Nguyên Giáp con người và huyền thoại). Và, nhiều người trong nước cũng như ngoài nước đã có chung nhận định “Một trong muôn vàn biểu hiện sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã phát hiện sớm và trọng dụng đúng nhân tài, chọn Võ Nguyên Giáp làm người phụ trách công tác quân sự của Đảng ta”.

Là người dạy Sử và làm nên lịch sử, là người Anh Cả của Quân đội ta, là “Chính ủy của các Chính ủy”, “Tư lệnh của các Tư lệnh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng 10 đại tướng của hai cường quốc trong vòng chưa đầy 30 năm. Nếu theo lập luận hết sức chí lý và rất thuyết phục của Bác Hồ khi phong quân hàm Đại tướng cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp năm 1948 thì quân hàm trên cầu vai của Tướng Giáp đã phải cao hơn (!).

Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo toàn diện Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như với nhiều cương vị lãnh đạo của Nhà nước về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là trong những thập niên gần đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều công trình nghiên cứu, khá đồ sộ, có giá trị lý luận, tư tưởng, khoa học cao. Gần 100 tác phẩm hàm chứa một kho trí tuệ đồ sộ đã hiện lên chân dung vĩ đại của một nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa kiệt suất, nhà khoa học uyên thâm, đứng trong hàng ngũ những nhà sử học bậc thầy của Việt Nam.
 
Thời trai trẻ lập nghiệp bằng nghề dạy Sử, trở thành Danh nhân lịch sử, người làm nên lịch sử đến Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam hàng chục năm cho đến ngày Đại tướng vĩnh biệt chúng ta, và là người viết sử nổi tiếng, đã có nhiều đóng góp vô giá vào kho lịch sử hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vĩnh biệt chúng ta. Song Thầy dạy Sử 65 năm mang quân hàm Đại tướng mãi mãi là Tướng trong lòng dân, là bậc vĩ nhân, sẽ muôn đời sống mãi trong dân. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, trong tâm thức những người có đầu óc tín ngưỡng vốn ngưỡng mộ công lao, đức độ, tài năng của người đã suốt đời vì nước vì dân, thường suy tôn người đó là một vị Thánh, dù sinh thời những người đó chưa bao giờ mơ thành Thánh, thành Thần. Những ngày qua, dù thời gian ngắn và điều kiện đi lại hạn chế, đã có hàng vạn, hàng vạn người dân Thủ đô và các vùng miền của đất nước kéo về nhà riêng Đại tướng để thắp nén tâm hương dâng lên hương hồn Đại tướng; và hôm nay đã có hàng triệu người đến viếng Đại tướng đã cho thấy nhân dân ta sẽ mãi mãi suy tôn công ơn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “tài đức vẹn toàn”, một nhân vật huyền thoại tuyệt vời. Và, nhân vật ấy có là một vị Thánh mới hay không, điều đó thuộcvề Lòng Dân.


Phan Xuân Biên
Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Tổng Biên tập Website Thành ủy TPHCM

Tin cùng chuyên mục