Liên doanh cao su Việt Nam-SNG sau 14 năm hoạt động

Visorutex hiện nay ra sao?

Visorutex hiện nay ra sao?

Từ những năm tám mươi thế kỷ 20, Việt Nam và Liên Xô (cũ) ký Hiệp định trồng 5 vạn hécta cao su. Vì nhiều lý do, chủ yếu là do quản lý yếu kém, hiệp định này không mang lại kết quả. Xí nghiệp liên doanh giữa Việt Nam với Liên Xô này mang tên Xí nghiệp Liên doanh Visorutex. Sau mười bốn năm hoạt động, nay Visorutex ra sao?

  • Hơn 10 năm lận đận

Sau khi Liên Xô tan rã, Visorutex trở thành liên doanh giữa Tổng Công ty Cao su Việt Nam với 5 công ty của Liên bang Nga, và Ukraine. Tài sản gồm Nông trường Cao su ở huyện Tân Uyên, Bình Dương (Công ty Cao su Phước Hòa chuyển giao) và Xí nghiệp Chế biến mủ cao su ở Lai Khê, Bình Dương. Liên doanh có hơn 400 lao động.

Visorutex hiện nay ra sao? ảnh 1

Nguyễn Thị Phượng, công nhân giỏi vừa được bầu vào cấp ủy của Liên doanh

Nông trường Cao su Visorutex có 1.100ha, trồng từ cuối những năm 1980, giống cũ, tỷ lệ cây được lai tháp không cao, năng suất thấp và hiện chỉ còn 377 ngàn cây đang khai thác.

Trên thực tế, vườn cao su liên doanh chỉ bằng diện tích do một đội sản xuất thuộc Công ty Cao su Đồng Nai quản lý! Xí nghiệp Chế biến mủ nguyên là xưởng thực nghiệm của Viện Nghiên cứu cao su, được tổ chức FAO Liên hợp quốc viện trợ, với thiết bị nhập từ Malaysia, lắp đặt năm 1984; công suất thiết kế 3.000 tấn/năm, nhưng do không có đủ mủ tươi nên chưa bao giờ sử dụng hết hai phần ba công suất.

Từ ngày thành lập cho đến hết năm 2003, hiệu quả kinh doanh của Visorutex rất thấp. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này có nguyên nhân cốt yếu là chưa có sự thông hiểu lẫn nhau về mọi phương diện giữa lãnh đạo liên doanh người nước ngoài với cán bộ công nhân người Việt Nam. Phía Tổng Công ty Cao su Việt Nam đã tích cực đàm phán với Liên bang Nga và Ukraine để chấm dứt tình trạng này.

Đến năm 2004, phía đối tác nước ngoài cử tổng giám đốc mới tên là Viatcheslav Davidov, 51 tuổi, từng công tác gần mười năm ở Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Davidov thông thạo tiếng Việt, và hiểu biết phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị liên doanh là ông Đinh Vạn Tiến cũng như phó tổng giám đốc, các trưởng phó phòng người Việt đều thông thạo tiếng Nga, giao dịch trực tiếp với tổng giám đốc không cần phiên dịch. Từ điểm xuất phát này, mọi chuyện dần dần thay đổi theo hướng tiến bộ, phát triển.

  • Khi yếu tố con người được chú trọng

Lần đầu tiên các đối tác trong liên doanh tăng vốn đầu tư. Cũng lần đầu tiên, “vườn cây được cung ứng đủ phân bón, thuốc trừ sâu, - ông Trần Văn Khánh, Giám đốc nông trường nói- Chúng tôi tăng cường khâu chăm sóc để tăng năng suất, tăng sản lượng mủ cao su.

Mặt khác, củng cố lực lượng bảo vệ để chống nạn ăn cắp mủ cao su… Biện pháp quan trọng nhất là trả lương sản phẩm, có thưởng. Ai làm giỏi được du lịch nước ngoài. Người lao động được hưởng phần lớn giá trị của số mủ chén, mủ đất tận thu được”.

Visorutex hiện nay ra sao? ảnh 2

Kiểm tra xe, đo lượng mủ trước khi rời vườn cây về xí nghiệp chế biến.

Khi quyền lợi của người lao động được hưởng cân xứng với công sức họ bỏ ra thì lòng người gắn bó với vườn cây, với nông trường chặt chẽ hơn, máu thịt hơn. Cô Nguyễn Thị Phượng, 23 tuổi, người có đôi tay vàng là công nhân cạo mủ giỏi, là Chủ tịch Công đoàn Đội 1 vừa được bầu vào cấp ủy của đảng bộ liên doanh.

Phượng nói với tôi: “Chúng em chăm sóc cao su như người thân, coi vườn cây như tài sản của chính mình, vì quyền lợi cá nhân được đảm bảo”. Khác hẳn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác, tại Visorutex sinh hoạt Đảng, công đoàn, Đoàn Thanh niên rất hiệu quả, tác động tích cực đến mọi mặt sản xuất, quản lý và đời sống.

Buổi sáng, mới ba giờ sáng, công nhân nông trường đã đỏ đèn tiến ra rừng cao su cạo mủ. Buổi trưa họ được ăn giữa ca, đời sống văn hóa tinh thần, thể dục thể thao được nâng cao. Rừng cây ngày xưa im lìm hoang lạnh, nay đã hồi sinh, rộn rã tiếng cười…

Nguyễn Bá Minh Trị là đội trưởng Đội ba đang chơi bóng chuyền với anh chị em trong giờ nghỉ, thấy tôi đến, Trị vui vẻ kể: “Đội ba của em 57 công nhân thì có tới 45 tay nghề khá và giỏi. Hiện mỗi ngày sản lượng đạt 4.500 đến 5.000 lít mủ. Tháng 10-2005, lương bình quân 2 triệu đồng, có nhiều người đạt 3 triệu đồng”.

Nông trường Cao su Visorutex nằm trên địa bàn hai xã Tân Bình và Bình Mỹ huyện Tân Uyên, việc bảo vệ vườn cây, chống nạn ăn cắp mủ vô cùng cam go. Hở ra vài phút là mủ cao su bị ăn cắp! Lực lượng bảo vệ hoạt động ngày đêm và đã giảm đến mức thấp nhất tệ nạn này.

Vấn đề đặt ra cho liên doanh Visorutex là với số mủ khai thác được từ 377 ngàn cây cao su thì xí nghiệp chế biến “chưa đủ dính răng”, công suất chỉ huy động 50% so với thiết kế. Vì thế, liên doanh đẩy mạnh việc thu mua mủ cao su tiểu điền và cao su của nông dân. Từ ba năm nay, cao su lên giá, việc thu mua mủ tươi diễn ra trong sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Liên doanh tỏ ra năng động với quy luật thị trường. Nhờ thế xí nghiệp chế biến có nguyên liệu làm việc. Sản lượng năm 2005 dự kiến tăng gấp đôi năm 2004.

Ông Davidov trả lời phỏng vấn của tôi với niềm vui sáng bừng trên gương mặt. Ông cho biết: “Liên doanh đang xây dựng kế hoạch mua vườn cây, phát triển vườn cây lên 5.000ha, nâng công suất nhà máy chế biến; đa dạng hóa sản phẩm bằng việc xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ gỗ cao su, nhà máy chế biến cao su tổng hợp, cao su dùng trong các ngành kỹ thuật.

Từ những phương án khả thi, các đối tác trong liên doanh đang tăng vốn đầu tư đồng thời liên doanh kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Tương lai của Visorutex là xán lạn!”. Tôi hỏi: Ông rút ra bài học gì sau một năm nhậm chức Tổng Giám đốc?

Đáp: “Con người! Con người được tôn trọng, được trả lương sòng phẳng thì khó khăn nào cũng vượt qua. Để có được kết quả đó, tôi cho rằng cần phải thấu hiểu thói quen, văn hóa, tâm tư nguyện vọng của công nhân cao su vốn gốc gác là nông dân nghèo khổ… Tôi được Hội đồng quản trị, phó Tổng giám đốc và các trưởng phó phòng người Việt Nam hết lòng tin yêu, ủng hộ. Nhờ thế mà bước đầu liên doanh đã biến chuyển tốt. Tôi tin rằng Visorutex sẽ phát triển nhanh trong vòng 5 năm tới để khỏi hổ danh là liên doanh đầu tiên và duy nhất làm cao su giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Ukraine…”. 

TRIỆU XUÂN

Tin cùng chuyên mục