
Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu chữa thành công cho 2 bệnh nhân bị chấn thương kín rất nguy hiểm: một người bị vỡ tim cách đây 17 năm, một người bị đứt động mạch cách đây hơn 4 năm sau khi bị tai nạn giao thông.

Bệnh nhân Nguyễn Thị T. đang phục hồi sau khi được nối động mạch chủ tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.phương
17 năm sống với trái tim bị vỡ
Bệnh nhân là Nguyễn Quốc T. (30 tuổi, ngụ tại Bình Định) vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR) trong tình trạng đau bên ngực trái, khó thở, mệt khi gắng sức… Nguyên nhân là do cách đây 17 năm, trong một lần bị tai nạn giao thông, anh T. bị té, ngực đập vào thành một cây cầu và bị chấn thương vùng ngực trái. Thời gian qua, anh đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh (vì tim anh bị vỡ do chấn thương kín).
Theo Th.S-BS Nguyễn Thái An, khoa Phẫu thuật tim hở BVCR, tai nạn giao thông, tai nạn lao động có thể khiến người ta bị chấn thương kín. Trường hợp của bệnh nhân T., qua thăm khám các bác sĩ BVCR phát hiện vùng mõm bên trái tim của bệnh nhân có lỗ thủng (kích thước gần 2cm) và khả năng tim của anh T. đã bị vỡ, dập do tai nạn giao thông gây ra. May mắn cho bệnh nhân là tuy bị chấn thương kín đã gây vỡ tim nhưng chỉ vỡ phần trong của quả tim, còn lớp màng tim vẫn bao bọc được vết thủng ở mõm tim nên tạo ra túi phình giả ở đây (gọi là giả phình thất trái vùng mõm) và máu ra vào trong túi phình này… Theo thời gian một phần tim bị dập, vỡ của bệnh nhân đã tự phục hồi, còn phần vết thủng này do kích thước quá lớn nên không tự phục hồi lại được. Theo thời gian chỗ phình đó sẽ bị bào mòn dần và có thể vỡ ra bất cứ lúc nào…
Cũng theo Th.S-BS Nguyễn Thái An, do kích thước vết thủng ở tim bệnh nhân này quá lớn nên không thể dùng biện pháp thông thường như phương pháp tim mạch can thiệp hay dùng phương pháp trám tim bằng “dù” mà các bác sĩ phải phẫu thuật để vá lại lỗ thủng bằng cách dùng chỉ khâu y tế đặc biệt miếng vá (Past) để vá lại lỗ thủng. Sau khi được vá lỗ thủng ở tim, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Nối lại động mạch sau 4 năm bị đứt
Một trường hợp hy hữu khác cũng vừa được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim hở BVCR phát hiện và cứu sống kịp thời. Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (20 tuổi, ở Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực… Qua chụp CT, các bác sĩ phát hiện ra động mạch chủ (vị trí vùng quai) của chị T. đã bị đứt lớp bên trong, nhưng rất may phần màng của động mạch chủ vẫn chưa bị đứt nên bị phình ra (giả phình quai động mạch chủ) thành 2 cục rất lớn.
Th.S-BS Nguyễn Thái An cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim hở đã phẫu thuật xử lý chỗ phình và thay thế đoạn động mạch bị vỡ bằng mạch máu nhân tạo (ống ghép). Cái khó của ca này là do vị trí động mạch chủ bị phình nằm ngay ngã 3 khu vực tưới máu lên não nên trong quá trình phẫu thuật ngoài việc dùng máy hỗ trợ tim phổi thì ê kíp phẫu thuật còn phải đảm bảo việc cung cấp máu lên nuôi não (nếu không não sẽ bị tổn thương và bệnh nhân dù được cứu sống nhưng não sẽ bị liệt). Sau khi được phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đang phục hồi khá ổn định.
Được biết, động mạch chủ của chị T. được xác định là đã bị đứt cách đây 4 năm, trong một lần tai nạn giao thông. Vào thời điểm đó, khi chị T. nhập viện cấp cứu, kết quả kiểm tra sức khỏe chị T. cho thấy chị bị hôn mê, vỡ quai hàm, vỡ gan, tràn máu màng phổi… nhưng không có biểu hiện bị đứt động mạch chủ (do khi tai nạn giao thông lực va đập quá hiểm nên khiến động mạch chủ nằm trong lồng ngực chị T. bị chấn thương kín) nên không ai phát hiện ra.
Theo thời gian và áp lực bơm máu từ tim, động mạch chủ vùng quai của chị T. bị phình ra (như ruột xe bị phình). Do đó, khi điều trị hết các chấn thương vỡ quai hàm, vỡ gan, tràn máu màng phổi mà chị T. vẫn có triệu chứng bị đau ngực, khó thở. Các bác sĩ đã phải tiếp tục kiểm tra thì mới phát hiện ra động mạch chủ chị T. cũng đã bị đứt nhưng rất may là lớp màng động mạch vẫn tiếp tục gánh vác nhiệm vụ dẫn truyền máu đi nuôi cơ thể trong suốt thời gian qua.
Theo Th.S-BS Nguyễn Thái An, tai nạn lao động, tai nạn giao thông có thể gây chấn thương kín. Thường thì những trường hợp bị chấn thương kín nặng như trên sẽ bị tử vong không ngay lập tức thì cũng về sau vì rất khó phát hiện bởi không có triệu chứng rõ ràng, biểu hiện mơ hồ… Do đó, từ trước đến nay, rất hiếm trường hợp nào bị nặng mà sống sót như hai trường hợp nêu trên.
Tiến Đạt