Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Thanh Nguyên

Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH:
Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Thanh Nguyên
Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Thanh Nguyên ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

- PV:
Nhân tác phẩm Tôi là Bêtô được Hội Nhà văn TPHCM trao giải, báo Công an Nhân dân có nhận xét đáng chú ý: “Phát hành chạy như... tôm tươi, lại vừa nhận giải thưởng văn học TPHCM 2008, Tôi là Bêtô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quả là tác phẩm “song kiếm hợp bích”, ai cũng thích. Có lẽ rất lâu rồi một tác phẩm văn học cho thiếu nhi lại được giải cao và đồng thời vẫn được bạn đọc mến mộ. Tài hoa của anh chính là viết cho trẻ con nhưng người lớn vẫn mê”. Thực tế lâu nay có không ít tác phẩm được giải thưởng nhưng không gây được sự chú ý nơi độc giả và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Anh nghĩ gì về tình trạng này?

Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH: Sự gặp gỡ giữa các hội đồng chấm giải và bạn đọc không phải bao giờ cũng xảy ra. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một khía cạnh khác: Tác phẩm viết cho trẻ em rất khó giành được các giải thưởng văn học của “người lớn” vì so với các tác phẩm viết cho người lớn, tác phẩm viết cho trẻ em có một phương pháp khác, chuẩn mực khác, đặc điểm khác, không thể có cùng một tiêu chí xét giải được.

Đưa các tác phẩm viết cho trẻ em tham gia các giải thưởng văn học hàng năm của các hội nhà văn chẳng khác nào tìm cách xếp hạng giữa ca khúc Em là hoa hồng nhỏ và ca khúc Một cõi đi về (đều của Trịnh Công Sơn). Tác phẩm Tôi là Bêtô được trao giải có lẽ vì nó không phải là một tác phẩm thuần túy viết cho trẻ em. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta vẫn cần có một giải thưởng độc lập cho văn học thiếu nhi như giải Astrid Lindgren của Thụy Điển, giải Carnegie của Anh hay giải Newbery của Mỹ. Điều đó mới đem lại công bằng cho các nhà văn viết cho trẻ em và mới có tác động tích cực đến lĩnh vực này. Hiện nay chỉ các cuộc vận động sáng tác của NXB Kim Đồng và NXB Trẻ là chưa đủ và đó cũng không phải là giải thưởng văn học trao cho sách đã in.

- Cho đến nay anh đã in khoảng 100 đầu sách, một khối lượng thật đồ sộ. Tôi rất tò mò muốn biết có bao giờ anh đọc lại tác phẩm của mình, và đọc bằng con mắt phê bình?

Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH: Thỉnh thoảng tôi có đọc lại, nhưng không đọc được nhiều, và dĩ nhiên khi đọc trong đầu cũng có những nhận xét, so sánh. Thực ra, mỗi nhà văn đều có một nhà phê bình trong tự thân mỗi người. Không đợi đến khi tác phẩm đã được in ra mà ngay trong quá trình sáng tác, nhà phê bình đó đã thường xuyên lên tiếng rồi. Chẳng hạn, tại sao anh chọn từ này mà không chọn từ kia, dùng lối diễn đạt này mà không dùng lối diễn đạt nọ, rồi anh xóa câu này thêm câu khác, đó chính là sự phán xét và hướng dẫn của nhà phê bình ẩn trong nhà văn.

Tóm lại, chất lượng văn chương của một nhà văn tùy thuộc vào chất lượng phê bình của chính nhà văn đó. Bởi nếu anh không biết thế nào là một câu thơ hay thì anh không thể viết một câu thơ hay được. Thực tế này cắt nghĩa tại sao các nhà sáng tác khi chuyển sang viết phê bình vẫn không cảm thấy trái tay lắm, mặc dù có người không cho phê bình của các nhà văn là loại phê bình học thuật nhưng không thể phủ nhận là nó có nét độc đáo riêng, góp phần giúp khu vườn phê bình thêm hương sắc.

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Thanh Nguyên ảnh 2
Nhà thơ Thanh Nguyên

- PV: Thanh Nguyên giới thiệu đôi nét về Hát thơ?

Nhà thơ THANH NGUYÊN: Hát thơ gồm những bài thơ tôi viết từ những điều tôi thấy và cảm nhận, nhờ thơ nói hộ những tâm tình tôi muốn thổ lộ với bạn bè, với người thân…, cùng vài bài thơ rất tâm đắc mà tôi chưa in lần nào. Qua Hát thơ tôi mong được chia sẻ với suy nghĩ luôn thích giữ cho thơ mình có vần điệu, như dân gian vẫn thường hay nói “hát cho đỡ buồn” và tôi muốn thơ mình là những khúc hát nghêu ngao trong cuộc đời…

- Bạn có thường đọc thơ và suy nghĩ gì về thơ trong cuộc sống hôm nay?

Nhà thơ THANH NGUYÊN: Tôi thường đọc thơ trên báo và những tập thơ do bạn bè làm thơ gửi tặng, có thể nói thơ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Nghĩ về thơ tôi quan niệm rằng: cuộc sống như mảnh đất mỡ màu và văn chương thì như hoa cỏ đâm chồi trên đó. Chúng ta hãy cứ vui mừng vì sự mỡ màu của đất, còn đâu hoa, đâu cỏ cần phải nhờ vào sự sàng lọc của người đọc và thời gian…

- Làm thơ từ rất sớm, cho đến bây giờ lại bận bịu cuộc sống gia đình, bằng cách nào bạn vẫn giữ được cảm xúc tươi mới để tiếp tục làm thơ?

Nhà thơ THANH NGUYÊN: Tôi nghĩ rằng đó là nhờ sự động viên, quan tâm của rất nhiều người. Cứ mỗi khi tôi mệt mỏi, lơ là với ngòi bút thì lại nhận được những lời nhắc nhở chân tình. Ngoài ra, điều tôi thích viết chính là thế giới quanh mình đang sống, nên có lẽ cũng chẳng phải tìm tòi ý tứ đâu xa. Trước kia tôi cho rằng thơ là thánh đường để tâm hồn mình trú ẩn mỗi khi buồn vui. Giờ đây tôi nghĩ  thơ là một phần ba cuộc sống của mình, bên cạnh gia đình và công việc. Bởi với tôi thơ là “Nếu không chắp cánh được cho cuộc sống thì chí ít, thơ cũng phải được dùng để gìn giữ cuộc sống ấy - thay vì vuột mất cả hai…”.

Huy Miên

Tin cùng chuyên mục